Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò tiền tuyến trong thương mại, đầu tư

Chí Kiên| 29/08/2022 06:50

(HNM) - Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng cũng như sự đổi mới, sáng tạo của nền kinh tế nước ta hiện nay là những đóng góp của hoạt động xuất, nhập khẩu. Với các chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua đã có biến chuyển mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi những cam kết hội nhập quốc tế sâu, rộng của Việt Nam.

Có thể thấy rất rõ điều này trong hơn 2 năm qua, dù chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19 và tình hình căng thẳng ở một số khu vực trên thế giới, nhưng nước ta vẫn đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó kết quả xuất, nhập khẩu ấn tượng có đóng góp hết sức quan trọng. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào tốp 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. Đặc biệt, trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, đạt hơn 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; dự báo cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD.

Con số đạt được đã minh chứng cho hiệu quả tăng trưởng và điểm nổi bật là chất lượng luôn được chú trọng. Chúng ta đã gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát hiệu quả hoạt động nhập khẩu, giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất, nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư, trong đó cao nhất là năm 2020 đạt gần 20 tỷ USD.

Phải khẳng định, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được các cấp, ngành, địa phương khai thác hiệu quả, hướng đến phát triển xuất, nhập khẩu bền vững. Trong đó, ngành Công Thương mà nòng cốt là hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu.

Từ những kết quả cụ thể đạt được, ý nghĩa đặc biệt hơn là cùng với hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam; quan điểm phát triển đất nước, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, đồng thời giữ vững định hướng, đầu tư gia tăng và mở rộng các hoạt động thương mại, thị trường xuất, nhập khẩu là giải pháp thống nhất, xuyên suốt của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Trên tinh thần này, tại cuộc làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến (61 cơ quan đại diện phụ trách 176 thị trường trên thế giới) ngày 19-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các thương vụ phát huy hiệu quả vai trò, vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hằng ngày với những biến động của thế giới; tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng, chính sách phù hợp, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Nhiệm vụ rất quan trọng mà Thủ tướng “đặt hàng” hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chính là phải phát huy cho được vai trò tiền tuyến. Thực hiện vai trò nòng cốt này, nhiệm vụ bao trùm của hệ thống thương vụ là cần nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu để tham mưu phát triển thị trường, kết nối giao thương; xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, góp phần giảm phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, hệ thống thương vụ cũng cần thể hiện vai trò kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong hợp tác đầu tư; thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đây là cách hiệu quả để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao, từ đó tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi phát huy được vai trò tiền tuyến, hệ thống thương vụ tại nước ngoài chắc chắn sẽ giúp nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế, xác lập vị trí cao hơn của kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò tiền tuyến trong thương mại, đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.