(HNM) - Năm 2018, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp công đoàn và công nhân, lao động Thủ đô tích cực triển khai, hưởng ứng. Phong trào đã lan tỏa, phát huy được trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ công nhân, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Những tấm gương tiêu biểu
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vui mừng cho biết, thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn. Phong trào đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất, khơi dậy ý chí, nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Những tấm gương “Công nhân giỏi” hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở mọi lứa tuổi.
Phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được các cấp công đoàn và công nhân, lao động tích cực hưởng ứng.Ảnh: Viết Thành |
Trong số 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2018, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đóng góp 15 điển hình. Tiêu biểu là: Nguyễn Duy Thái, Vương Vũ Mọc (Công ty TNHH Denso Việt Nam), Hoàng Văn Đức (Công ty TNHH Toho Việt Nam) và Lê Tiến Thành (Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam) đã đạt giải Nhất tại hội thi thợ giỏi cấp thành phố năm 2017 ở các nghề tiện CNC, phay CNC, phay vạn năng, hàn CO2. Điểm chung của những công nhân này là luôn tận tụy với nghề, cố gắng học hỏi để tăng năng suất lao động, làm lợi cho công ty.
Trong khi đó, hai nữ công nhân Nguyễn Thị Thu và Phạm Thị Bích (Công ty TNHH Canon Việt Nam) có nhiều sáng kiến cải tiến, đổi mới trong sản xuất, tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới. Đặc biệt, hai chị đã tích cực tham gia các cuộc thi tay nghề, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn do công ty tổ chức, luôn đạt thành tích cao và trở thành “nghệ nhân” - danh hiệu cao quý của Công ty TNHH Canon Việt Nam.
Ở lĩnh vực khác, chị Nguyễn Thị Ngọc Giang (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) là công nhân giỏi, nhiều kinh nghiệm. Chị luôn gương mẫu trong mọi công việc được giao, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp để làm đẹp những vườn hoa, công viên. Năm 2017, chị được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”; 5 năm liền (2013-2017) đạt danh hiệu “Công nhân giỏi ngành Xây dựng Hà Nội”. Còn anh Phạm Ngọc Hậu (nhân viên kỹ thuật, Công ty cổ phần Tập đoàn MV, thuộc Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công trên biển 3 nhà giàn trước thời hạn. Sáu năm liền, anh được công ty và Bộ Tư lệnh Công binh khen thưởng. Hay công nhân Nguyễn Quý Hà (Công ty cổ phần Sữa quốc tế, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ) có sáng kiến “Cải tạo và đưa vào hoạt động máy bao thân cho sản phẩm sữa chua ăn” làm lợi cho công ty hơn 1 tỷ đồng mỗi năm…
Và còn nhiều “Công nhân giỏi Thủ đô”. Dù ở bất kỳ ngành, nghề, cương vị công tác nào, các công nhân luôn gương mẫu, cần cù lao động, tích cực sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và thành phố.
Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng cho biết, năm 2018, các cấp công đoàn thành phố đã tích cực phối hợp với chính quyền phát động các phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, người lao động. Trong đó, khối sản xuất, kinh doanh tập trung phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” gắn với cuộc vận động "Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp tăng năng suất lao động", thực hiện "Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động". Qua phong trào đã góp phần động viên, khai thác mọi tiềm năng, trí tuệ của từng công nhân, lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm, hợp lý hóa sản xuất, tạo ra hiệu quả cao nhất, cải thiện đời sống người lao động. Phong trào lao động giỏi, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô” đã có tác động to lớn đối với sản xuất, kinh doanh, được doanh nghiệp và người lao động mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng.
Tổng kết phong trào thi đua, toàn thành phố có hơn 38.600 người được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở (tăng 5% so với năm 2017); 1.920 người được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và trên cơ sở, Liên đoàn Lao động thành phố quyết định tặng bằng công nhận cho 100 công nhân, lao động danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 32%; số công nhân bậc 3, 4, 5 chiếm hơn 60%; công nhân bậc 6, 7 chiếm hơn 30%...
Tuy vậy, một số đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua “Lao động giỏi” phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chưa được duy trì thường xuyên; công tác phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất chưa được quan tâm đúng mức.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, để phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô, đặc biệt là phong trào phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô” ngày càng có sức lan tỏa, các cấp công đoàn sẽ đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo người lao động tham gia; nhất là phong trào thi đua mang tính đặc thù như, “Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”… Đó cũng chính là giải pháp góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra, nâng cao vị thế của người lao động và tổ chức công đoàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.