Nghị quyết và Cuộc sống

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu: “Chìa khóa” giải quyết việc mới, việc khó

Hiền Lương 06/11/2023 - 07:13

Thực tiễn từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nỗ lực thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xác định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của cấp ủy; cá thể hóa trách nhiệm, nhất là phát huy trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó nâng cao hiệu quả công việc và đặc biệt hơn đây còn là "chìa khóa" trong giải quyết việc mới, việc khó ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

bi-thu-dang-uy-xa-van-khe-.jpg
Lãnh đạo xã Văn Khê (huyện Mê Linh) trao đổi, động viên người dân thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Giải pháp có ý nghĩa quyết định

Cá thể hóa trách nhiệm, phát huy trách nhiệm người đứng đầu là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; được cấp ủy các cấp tích cực thực hiện, nhất là trước việc khó, việc mới.

Đơn cử tại Hà Nội vừa qua, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là việc khó, việc mới, phải thực hiện trong thời hạn ngắn. Ngày 16-6-2022, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, trong đó yêu cầu chỉ 1 năm sau, tháng 6-2023 phải bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 12-2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng. Đứng trước yêu cầu đó, ở cấp cao nhất, lần đầu tiên Trưởng ban Chỉ đạo một dự án trọng điểm cấp quốc gia được giao cho địa phương chủ trì đầu tư và phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Tương tự, 7 quận, huyện của thành phố có dự án đi qua đã xác định phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó bí thư cấp ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo, là “đầu tàu” chỉ đạo xuyên suốt. Ở địa bàn dân cư, các đồng chí bí thư chi bộ cũng là “nhạc trưởng” trong công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Kim Tiền là 1 trong 5 thôn của xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) có dự án Vành đai 4 đi qua với tổng diện tích thuộc diện giải phóng mặt bằng là 3,2ha liên quan tới 53 hộ gia đình và có 24 ngôi mộ phải di dời. Công việc nhiều và khó khăn là thế, nhưng Kim Tiền đã trở thành thôn đầu tiên của xã Kim Hoa, cũng là địa phương đầu tiên của huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội hoàn thành di dời 100% số ngôi mộ; 53 hộ dân cũng đã ký kết bàn giao đất cho Nhà nước. Đạt được kết quả này có vai trò rất lớn của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Kim Tiền Hà Văn Quyết. Không chỉ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân, bản thân ông và gia đình đã làm gương bàn giao trước 2.400m2 đất thuộc diện giải phóng mặt bằng cho dự án.

Nhờ cách làm bài bản, vận dụng cá thể hóa trách nhiệm, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, đến tháng 6-2023, Hà Nội đã bàn giao vượt 70% mặt bằng, đồng thời chính thức khởi công dự án đường Vành đai 4. Hiện nay, 14 mũi thi công đang được triển khai, trong khi tỷ lệ mặt bằng được bàn giao đã tăng lên hơn 87%.

Phải gắn với quy chế làm việc

Dù đã có những chuyển biến mạnh mẽ, nhưng thực tế còn không ít nơi và trong nhiều lĩnh vực, giải pháp cá thể hóa trách nhiệm, phát huy trách nhiệm người đứng đầu chưa được coi trọng đúng mức, thường xuyên, nền nếp. Hiện nay, toàn thành phố còn 38 tổ chức cơ sở Đảng phải củng cố, trong đó có 5 tổ chức mới phát sinh trong quý III-2023. Hầu hết các tổ chức này có vấn đề liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Trong đề án củng cố các tổ chức này, giải pháp chủ yếu là thay thế cán bộ lãnh đạo đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, Thành ủy Hà Nội xác định chỉ tiêu: “Đến năm 2025, hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Phấn đấu bố trí, sắp xếp khoảng 50% bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương”. Đây là giải pháp có ý nghĩa rất lớn nhằm phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nhất là ở cấp xã.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, thực tế còn tình trạng cơ quan, đơn vị có ban hành quy chế, quy trình nhưng không đầy đủ hoặc ban hành cho có mà không nghiêm túc thực hiện, có thực hiện nhưng không kiểm tra, kiểm soát, đánh giá thường xuyên. Ngoài ra, vấn đề yếu nhất hiện nay là thiếu các quy trình xử lý công việc nội bộ trong các phòng, ban. Để khắc phục vấn đề này, cấp ủy cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc ban hành và thực hiện quy chế làm việc; lấy “thước đo” hiệu quả công việc để truy trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời thông qua công tác cán bộ nhằm siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm cá nhân.

Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy trong Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội". Thực hiện tốt giải pháp cá thể hóa trách nhiệm, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cũng chính là thực hiện tốt chỉ thị quan trọng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy trách nhiệm người đứng đầu: “Chìa khóa” giải quyết việc mới, việc khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.