(HNM) - Với ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao, hệ thống dân vận các cấp TP Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội...
Đại diện các đoàn thể phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) bàn giải pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: Bá Hoạt |
Vai trò quan trọng
Bí thư Đảng ủy phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Phạm Văn Năm cho biết, Nghị quyết 15-NQ/TU được ban hành đã nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo cơ sở về nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Theo ông Phạm Văn Năm, trong hàng loạt việc phải làm, phường xác định, công tác dân vận giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Tới đây, không chỉ giao cho bộ phận chuyên trách về dân vận, Đảng ủy phường sẽ huy động cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, đề cao vai trò của các tổ dân vận, người có uy tín ở địa bàn dân cư.
Không chỉ ở phường Ô Chợ Dừa, trong kế hoạch của Ban Thường vụ Quận ủy Đống Đa về thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, nhiệm vụ của cơ quan dân vận cấp ủy cũng được xác định rất rõ. Đó là tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các quy định, quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là địa bàn phường; củng cố tổ chức MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở những địa bàn có vụ việc phức tạp…
Cùng với quận Đống Đa, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy đều xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn, yêu cầu hàng đầu của Ban Thường vụ Huyện ủy trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU là phải làm tốt công tác dân vận, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Nghị quyết 15-NQ/TU đã chỉ rõ, đối với công việc khó khăn, phức tạp thì cần phát huy dân chủ rộng rãi để huy động được trí lực, nhân lực của toàn Đảng bộ và nhân dân. Trong Kế hoạch 51-KH/TU ngày 5-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, Ban Dân vận Thành ủy được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các cấp ủy đảng với nhiều nội dung quan trọng như: Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân, tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Đảng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội…
Tạo điều kiện để người dân đóng góp ý kiến
Nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ được Ban Thường vụ Thành ủy giao, cùng với sự chủ động của các cấp ủy, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU để triển khai đến cơ quan dân vận cấp ủy các cấp trong Đảng bộ thành phố. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu, việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của ban phải gắn chặt với việc triển khai các nhiệm vụ công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội xác định là phải bằng mọi cách nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống dân vận các cấp. Song song với việc tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, khối dân vận các cấp sẽ tập trung tham mưu với cấp ủy nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả lãnh đạo thực hiện Kết luận 114-KL/TƯ ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp” và Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 16-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.
Qua đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân. Cơ quan nhà nước phải thực hành dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành. Cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, hệ thống dân vận thành phố sẽ tăng cường phối hợp giám sát thực hiện các Quyết định 217-QĐ/TƯ, Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, thực hiện “Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội” của Thành ủy Hà Nội. Quan điểm của Ban Dân vận Thành ủy là phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân được tự nguyện, bình đẳng tham gia đóng góp ý kiến và nêu các kiến nghị, đề xuất trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; khuyến khích việc trao đổi, tranh luận trong đối thoại, góp ý, hiến kế xây dựng Đảng, chính quyền các cấp.
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cũng xác định sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với hệ thống dân vận thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU. Ban quyết tâm sẽ cùng hệ thống dân vận cấp ủy các cấp thành phố giải quyết thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc thuộc thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến đại bộ phận nhân dân trên địa bàn; củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp; giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm còn tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.