Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy tiềm năng từ liên kết vùng

Hồng Sơn| 01/05/2022 06:47

(HNM) - Vấn đề liên kết vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là giao thương, đòi hỏi tư duy tổng thể, khoa học và toàn diện. Đó là yêu cầu quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng kinh tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo sau đại học, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) xung quanh nội dung này.

Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm tại sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối kinh tế, thương mại các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội.

- Theo ông, khái niệm về liên kết vùng kinh tế ở Việt Nam là gì?

- Liên kết vùng là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho vùng, quốc gia, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Vùng liên kết là những khu vực tiếp giáp với nhau, có liên quan và bổ trợ lẫn nhau trong một lĩnh vực nào đó. Sự phân bố và liên kết này giúp việc quản lý dễ dàng và thống nhất hơn, nhờ đó dễ dàng đạt được mục tiêu chung so với việc tập trung vào một cá thể duy nhất. Liên kết kinh tế vùng thực chất là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính. Các hình thức liên kết vùng có thể trên các khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất.

- Ông có thể đánh giá thực trạng của việc liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế ở nước ta?

- Tôi cho rằng, có mặt được và chưa được. Trước hết, liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế trọng điểm góp phần khai thác lợi thế, tiềm năng của các địa phương, vùng, góp phần quan trọng vào phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội. Trên thực tế, giai đoạn 2011-2021, thương mại của vùng Đông Nam Bộ luôn chiếm tỷ trọng cao nhất nước. Đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng, trong khi Tây Nguyên có tỷ trọng thấp nhất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tỷ trọng vùng Đông Nam Bộ biến động theo hướng giảm dần, trong khi tỷ trọng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng dần.

Với vai trò là trung gian của hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, việc liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế đã góp phần tăng cường giao thương. Đơn cử, chúng ta có thể thấy sự hợp tác, giao thương từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu các loại nông, thủy sản nội vùng và giữa các vùng trong nhiều năm qua.

Liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế trọng điểm đã gián tiếp góp phần hoàn thiện hạ tầng cho phát triển kinh tế, thương mại; phân bổ lại nguồn lực, lực lượng sản xuất một cách phù hợp với thế mạnh của từng địa phương…

- Vậy mặt chưa được là gì, thưa ông?

- Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển thương mại và dẫn dắt đối với địa phương, các vùng khác. Sự phát triển của hoạt động thương mại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, giữa các tỉnh, thành phố chưa đồng đều. Hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn ở các thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung các nguồn lực quốc gia và xã hội phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế, thương mại vùng và tăng cường liên kết vùng còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng, phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết phát triển thương mại có hiệu quả nhưng lại là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch...

- Ông có thể cho biết nguyên nhân của thực trạng trên và đâu là giải pháp?

- Nguyên nhân là do nhận thức về liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế, thương mại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng còn hạn chế; chưa nhận định rõ đó là phương thức để tạo ra các mũi nhọn, các “cực tăng trưởng” đối với thương mại... Bên cạnh đó, các quy định về liên kết bắt buộc còn chung chung nên khó triển khai và chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc. Thiếu bộ máy cấp vùng để thực thi, giám sát và điều phối. Phân vùng theo cách tiếp cận hiện nay chủ yếu dựa trên địa lý và điều kiện tự nhiên nên trong nhiều trường hợp ảnh hưởng đến động cơ liên kết của các địa phương.

Một vấn đề nữa là quy hoạch phát triển kinh tế, thương mại cũng như các quy hoạch khác còn chưa nhất quán với việc phân vùng, dẫn đến hiện tượng “vùng chồng vùng”. Một địa phương thuộc nhiều vùng khác nhau, chịu sự điều chỉnh của nhiều chính sách khác nhau nên khó có thể vận hành hiệu quả tất cả các liên kết.

Vì vậy, tôi cho rằng cần phải xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ về liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế trọng điểm. Nghiên cứu, hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng nói chung cũng như liên kết phát triển thương mại trong các vùng kinh tế trọng điểm nói riêng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tiềm năng từ liên kết vùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.