Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Thanh Hà, Việt Nam cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ.
Ngày 4-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao".
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là phát huy trí tuệ, tâm huyết, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng để phát triển đất nước.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thể hiện sức mạnh “ý Đảng, lòng dân".
Hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao” tập trung lấy ý kiến của lực lượng nữ trí thức và cũng là một trong số 4 hội thảo mà Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức để lấy ý kiến các lực lượng phụ nữ, gồm nữ doanh nhân, nữ trí thức, các chuyên gia và hội viên phụ nữ, làm cơ sở để tập hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện đại hội.
Dẫn phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị nêu “Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường", Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Thanh Hà đề nghị bổ sung nội dung “vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới đã tiến bộ rõ rệt".
Bà Hà phân tích, Việt Nam đã hội nhập sâu với khoa học và công nghệ quốc tế (năm 2010 xếp thứ 64, năm 2019 đã xếp thứ 49 trong top 50 của thế giới theo xếp hạng của tổ chức xếp hạng thế giới SCIMAGO); có 2 trung tâm khoa học quốc tế về toán học và vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ, trong ASEAN hiện nay có 6 trung tâm tương tự...
Đề nghị bổ sung thêm nội dung “có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ", bà Hà nêu quan điểm, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Bình đẳng giới đã nêu được sự bình đẳng giới trong hoạt động khoa học và công nghệ, tuy nhiên, sự tham gia của nữ giới trong một số ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là việc chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.
"Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhà khoa học nữ được hưởng các chính sách hỗ trợ, vì thế Việt Nam cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ", bà Nguyễn Thị Thanh Hà nêu ý kiến.
Liên quan đến phần về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.
Góp ý về nội dung xây dựng chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị, cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc tổ chức các hội thảo góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với các chủ đề khác nhau, dành cho các đối tượng khác nhau.
Trưởng ban Dân vận Trung ương ghi nhận các ý kiến, tham luận có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng, nghiên cứu kỹ xu thế tiến bộ thế giới, xóa bỏ định kiến; có chính sách, cơ chế đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao, chính sách đối với đội ngũ nữ trí thức...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.