Sau nhiều năm loay hoay với bài toán ô nhiễm, khôi phục dòng chảy sông Tô Lịch - “lá phổi xanh” từng bị lãng quên giữa lòng Thủ đô - nay trở thành chương trình hành động lớn của Hà Nội.
Hơn nửa năm sau chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, các hạng mục cải tạo trọng điểm đang được tăng tốc triển khai, mở ra hy vọng về một dòng sông “hồi sinh thực chất”...
Tính đến đầu tháng 7-2025, công tác cải tạo sông Tô Lịch ghi nhận hàng loạt bước tiến quan trọng. Đầu tiên là việc nạo vét lòng sông - một nhiệm vụ cấp bách nhằm khơi thông dòng chảy, giảm bồi lắng. Đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình (dài 7km) đã hoàn tất nạo vét khoảng 49.914m³ bùn. Đoạn từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang đang được tiếp tục nạo vét tại 58 vị trí trọng điểm, đến nay đã hoàn thành gần 60% khối lượng (6.800/11.800m³), dự kiến xong trong tháng 8.
Cùng với đó, việc thu gom triệt để nước thải - yếu tố quyết định đến chất lượng nước đang được triển khai quyết liệt. Đã có 19/63 cửa xả được đấu nối vào hệ thống xử lý, 5 cửa đang thi công, 37 cửa còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 7. Các cửa xả chưa nằm trong phạm vi Dự án Yên Xá cũng được đề xuất dự án riêng.
Quan trọng không kém là hệ thống đập dâng và cống điều tiết để giữ mực nước cũng đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Trần Văn Tiến, đến nay, đập dâng đầu tiên tại khu vực Thanh Liệt đã đạt 95% khối lượng thi công, chuẩn bị vận hành vào cuối tháng 8. Hai đập còn lại tại cầu Cót và cầu Dậu đang gấp rút hoàn thiện mặt bằng, dự kiến khởi công trong quý III.
Để duy trì dòng chảy ổn định, thành phố Hà Nội đang triển khai hai phương án bổ cập nước song song. Trước mắt, bổ cập từ hồ Tây qua mương TE3 vào đầu nguồn sông Tô Lịch kết hợp nguồn nước đã xử lý từ Nhà máy Yên Xá. Phương án này có chi phí vận hành thấp, nhưng chủ yếu chỉ giúp duy trì mực nước, chưa tạo dòng chảy tự nhiên liên tục.
Về lâu dài, thành phố Hà Nội xác định sẽ bổ cập nước sạch từ sông Hồng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.025 tỷ đồng, bao gồm trạm bơm, trạm biến áp, đường ống dài hơn 5km dẫn nước từ khu vực gầm cầu Nhật Tân đến đầu nguồn Tô Lịch. Dự kiến mỗi tháng sẽ bổ cập từ 15 đến 30 ngày tùy mùa, với lưu lượng dao động từ 1,2 đến 3,6m³/s.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đang xem xét phương án sử dụng nguồn nước xả của Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để bơm ngược lên đầu nguồn, tạo dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên, phương án này gặp trở ngại lớn do đường ống bổ cập dài tới 12km, chi phí đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, lại dễ xung đột với tuyến ống thoát nước hiện hữu.
Kiến tạo không gian sống mới cho Thủ đô
Khôi phục dòng chảy là điều kiện cần, nhưng để dòng sông thực sự sống lại, cảnh quan và không gian ven sông cũng cần được “làm mới”. Trên toàn tuyến, hàng chục nghìn mét vuông cây mảng lá màu, thảm cỏ, cây hàng rào viền đã được chăm sóc, thay thế.
Tính đến tháng 6, hơn 33.000m² cây mảng, thảm cỏ đã được trồng dặm, trong đó đoạn đường Láng từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở đạt 100% khối lượng cần khắc phục. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm tồn tại như cây chết, cỏ dại, gạch đá ngổn ngang, người dân đổ phế thải làm ảnh hưởng đến mỹ quan.
Riêng 9 khu vực ven bờ phải sông Tô Lịch - nơi đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố đang bị bỏ ngỏ trong công tác duy trì cây xanh. Cây chết không được thay thế, cỏ dại mọc um tùm, thậm chí có nơi rác thải xây dựng chưa được thu dọn. Đây là điểm nghẽn cần sớm khắc phục để không phá vỡ nỗ lực tổng thể.
Một tín hiệu tích cực là, song song với cải tạo kỹ thuật, thành phố đang xúc tiến thiết kế không gian hai bên bờ sông Tô Lịch theo hướng văn minh, hiện đại. Tập đoàn Sun Group đang phối hợp với các sở, ngành thành phố hoàn thiện phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, kỳ vọng hình thành chuỗi công viên, lối đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng ven sông.
Điểm nhấn là các đài quan sát, cầu bộ hành, tiểu cảnh nghệ thuật sẽ được tích hợp vào hạ tầng hiện có như đập dâng, hồ điều tiết… tạo nên hệ sinh thái đa lớp vừa phục vụ kỹ thuật, vừa mang giá trị cảnh quan – du lịch.
Từ một dòng sông từng bị gọi là “mương nước thải khổng lồ giữa lòng Thủ đô”, sông Tô Lịch đang dần có cơ hội trở lại đúng với giá trị vốn có – một dòng chảy mang ý nghĩa lịch sử, sinh thái và biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, để dòng sông Tô Lịch “hồi sinh thực chất”, các sở, ngành thành phố cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, duy trì áp lực kiểm tra giám sát liên tục, huy động tối đa các nguồn lực, không chỉ về tài chính mà còn là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và người dân để cải tạo, giữ gìn môi trường, cảnh quan dòng sông.
“Một dòng sông sống lại không chỉ cần nước sạch mà cần ý thức gìn giữ từ cộng đồng, sự hài hòa giữa kỹ thuật và văn hóa, sự thẩm mỹ trong quy hoạch và tính bền vững trong quản lý”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn nhấn mạnh.
Bài học từ nhiều dự án cải tạo dòng sông trên thế giới cho thấy, thành công không đến từ công trình lớn mà từ tư duy tổng thể, nhất quán và sự kiên trì hành động. Hà Nội đang đi đúng hướng và không được phép chậm trễ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.