Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng huyện Ba Vì phát triển nhanh và bền vững

Yên Bình| 03/08/2015 05:44

(HNM) - Kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015, vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế của huyện Ba Vì vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; dịch vụ, du lịch dần trở thành ngành kinh tế chủ yếu... làm nền tảng quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế toàn huyện và xóa đói giảm nghèo.


Đây cũng là cơ sở quan trọng, tạo khí thế để Đảng bộ huyện bước vào nhiệm kỳ mới, với quyết tâm: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới Ba Vì phát triển nhanh, bền vững".

Khai thác hiệu quả các thế mạnh

Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi, là "lá phổi xanh" phía Tây Thủ đô, điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Ngoài Vườn quốc gia Ba Vì, nơi đây có rất nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Thác Ngà, Khu du lịch Tản Đà, hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, đồi cò Ngọc Nhị...

Phát huy thế mạnh này, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các cơ sở kinh doanh du lịch. Cùng với đó là từng bước hoàn thiện Quy hoạch phát triển du lịch Ba Vì gắn với quy hoạch chung thành phố và quy hoạch chung xây dựng huyện. Ba Vì đã dồn lực tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng. Hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch được đẩy mạnh; liên kết các tuyến, điểm du lịch trong huyện với thành phố và cả nước tiếp tục được tăng cường.

Đặc biệt, Ba Vì đã nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái... Nhờ đó, tổng giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ, du lịch đã có sự vượt trội; đến năm 2015 đạt 5.093 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,8%/năm; riêng du lịch có tốc độ tăng trưởng 13,1%/năm. Với sự hoạt động ổn định của 15 doanh nghiệp du lịch đã thu hút 2,6 triệu du khách đến tham quan, mang lại doanh thu 250 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Dịch vụ - du lịch đã chiếm 52% (mục tiêu đề ra là 50%), trở thành ngành kinh tế chủ yếu của Ba Vì.

Song hành với phát triển mạnh dịch vụ - du lịch, Ba Vì còn tập trung dồn điền, đổi thửa (toàn huyện đã hoàn thành dồn đổi được 5.500ha, vượt 18% so với kế hoạch được giao), quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản như "sữa Ba Vì", "chè Ba Vì", "khoai lang Đồng Thái"… để nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác. Có thể nói, phát triển dịch vụ, du lịch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là hai mũi nhọn quan trọng để Ba Vì triển khai xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo.

Với nhiều cách làm sáng tạo, nhất là việc huy động hơn 7.900 tỷ đồng đầu tư phát triển (trong đó 55,6% nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân), hiện tại Ba Vì đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt từ 14 đến 17 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 10 đến 13 tiêu chí. Trên địa bàn huyện đã hình thành 318 trang trại sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đàn bò của huyện phát triển mạnh, trong đó riêng bò sữa đạt 10.000 con, mang lại sản lượng sữa 26.000 tấn. Nhiều sản phẩm có thương hiệu như sữa, chè Ba Vì, khoai lang Đồng Thái được người tiêu dùng yêu thích, mang lại nguồn lợi đáng kể, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện lên 35 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, chăm lo đời sống nhân dân

Tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra của huyện Ba Vì đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Kết quả đó có được là do Đảng bộ huyện đã chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đặc biệt, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về công tác cán bộ. Điều đó được thể hiện ở việc hằng năm, Đảng bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ và lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các cấp ủy đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã đưa vào quy hoạch 99 cán bộ diện Thành ủy quản lý; 2.022 cán bộ diện Huyện ủy quản lý. Ba Vì cũng đã mở được 5 lớp trung cấp lý luận chính trị, 2 lớp đại học chuyên ngành quản lý xã hội, cử 45 đồng chí đi học sau đại học, 612 đồng chí đang học đại học, 44 đồng chí học cao cấp lý luận chính trị, 516 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị...

Căn cứ yêu cầu công việc, huyện đã điều động, luân chuyển 61 cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện và trưởng thành. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên là yếu tố bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp mang tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Đảng bộ huyện đã nỗ lực thực hiện thắng lợi 8 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, giải quyết nhiều việc mới, việc khó, phức tạp. Phong cách làm việc, lề lối công tác không ngừng đổi mới theo hướng đề cao trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm.

Là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập trung tại 7 xã miền núi, Ba Vì đặc biệt chú trọng huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nỗ lực giảm nghèo. 125 dự án, với tổng mức đầu tư 1.251 tỷ đồng được triển khai tại 7 xã miền núi từ năm 2011 đến nay đã góp phần làm cho diện mạo nơi đây khang trang hơn. Những ngành nghề, thế mạnh của các địa phương như nghề trồng thuốc nam, chế biến, tiêu thụ nông sản... được tạo điều kiện phát triển.

Ngoài ra, huyện đã tăng cường đào tạo một số nghề phù hợp như đan lát, làm chổi chít, may mặc cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong 5 năm, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 47.388 lao động, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân của khu vực miền núi ở Ba Vì đã đạt 23,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 6%, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu

Bước vào nhiệm kỳ mới với dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, song với những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Ba Vì quyết tâm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; phấn đấu xây dựng nông thôn mới Ba Vì phát triển nhanh, bền vững.

5 nhiệm vụ trọng tâm, hai khâu đột phá được thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020 là: Xây dựng nông thôn mới và cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Huyện sẽ tập trung huy động mạnh mẽ các nguồn lực phát triển dịch vụ, đồng thời hoàn thành Quy hoạch phát triển du lịch Ba Vì; Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến thăm Ba Vì đạt 3,5-4 triệu lượt khách, đem lại doanh thu 480-500 tỷ đồng... Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện sẽ nỗ lực để đưa dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu mang lại sự thịnh vượng cho Ba Vì - mảnh đất địa linh, nhân kiệt.

Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,5-11%. Thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người (thu nhập tại khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người trở lên). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 76,6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%. 100% cán bộ chủ chốt huyện có trình độ đại học; cấp ủy huyện có trình độ trên đại học là 70%. Hằng năm kết nạp 450 đảng viên trở lên; 50% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có đơn vị yếu kém. Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể đạt vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng huyện Ba Vì phát triển nhanh và bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.