Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy sáng kiến, quyết thắng đại dịch

Hà Phong - Lý Thị Mai| 13/01/2022 21:06

(HNMO) - Từ thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Công đoàn Việt Nam mong muốn từng cán bộ, đoàn viên, người lao động có thêm nhiều sáng kiến góp phần tăng năng suất lao động, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm cả nước đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm

Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vào thời điểm cả nước chung sức phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần càng khó khăn càng phải thi đua, càng nhiều thách thức thì càng phải đổi mới sáng tạo, lần đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” trong công nhân, viên chức, lao động trên nền tảng công nghệ số.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, sau gần 80 ngày thi đua cao điểm, đã có 250.177 sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra, được đánh giá bằng kết quả làm lợi cụ thể, với tổng giá trị ước đạt 148.967 tỷ đồng. Trong các sáng kiến được vinh danh có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: “Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu” của anh Dương Văn Hùng (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên) làm lợi hơn 30 tỷ đồng; “Sửa khuôn khắc phục lỗi nứt sản phẩm bồn cầu” của anh Vũ Văn Bính (Công ty TNHH Toto Việt Nam) đã tạo ra bước đột phá, mang lại lợi nhuận sau cải tiến cho công ty hơn 13,5 tỷ đồng.

Cũng có những sáng kiến bình dị, được ra đời từ việc rán trứng. Anh Lưu Văn Vĩnh (công nhân Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam) kể, đau đáu với mảnh nilon PE trên lốp xe đạp quá dày trong khi sản xuất xong sẽ không thể tái sử dụng phần thừa, anh nói với đồng nghiệp, cùng thử nhiều cách làm nhưng không khả thi. Tình cờ, trong một lần rán trứng ở nhà, anh Vĩnh nhận ra lật trứng gà dễ dàng vì bề mặt chảo có độ nhám. Khi đó, anh nghĩ ngay tới bề mặt vải và nilon nếu được bổ sung hạt li ti tạo độ nhám thì bóc tách dễ dàng hơn. Nói là làm, sau 3 tháng nghiên cứu và đưa vào sử dụng, số nilon công ty anh cần mua từ 4 tấn giảm còn 1,8 tấn mỗi tháng (hiệu quả đạt 60%), giúp tiết kiệm 500 triệu đồng chi phí/tháng.

Không ngừng sáng tạo

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng, kéo theo trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Nhưng khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba là phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. Vì vậy, từ thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trong công nhân viên chức lao động nhằm triển khai có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Chương trình đề ra mục tiêu: Giai đoạn 1 (từ nay đến hết tháng 5-2022) nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng công nhân năm 2022 với mục tiêu 300.000 sáng kiến. Giai đoạn 2 (từ tháng 6-2022 đến tháng 9-2023) nhằm chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII với mục tiêu 700.000 sáng kiến.

Lý giải về con số 1 triệu sáng kiến, ông Trần Thanh Hải cho biết, tổng kết năm 2021, tổng số sáng kiến đoàn viên, người lao động đã triển khai thực hiện là gần 500 nghìn. Vì vậy, đặt ra Chương trình “1 triệu sáng kiến” là hoàn toàn khả thi với mong muốn cứ 10 đoàn viên công đoàn sẽ phấn đấu có 1 sáng kiến.

Đón nhận kế hoạch trên, Công đoàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hòa Bình đã yêu cầu cán bộ công đoàn bàn với người sử dụng lao động có kế hoạch, chính sách rõ ràng, cụ thể động viên người lao động tham gia thi đua ở cơ sở của mình và từ kết quả đạt được, từ mức độ, tiêu chí của từng cấp Công đoàn sẽ có hình thức khen thưởng, biểu dương người lao động phù hợp.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng thông tin, đội ngũ công nhân viên chức lao động Thủ đô (khối doanh nghiệp) phấn đấu đóng góp ít nhất 100.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch; phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động Công đoàn. 

Anh Nguyễn Hoàng Khôi và các đồng nghiệp tại xưởng LED - Điện tử và Thiết bị chiếu sáng thuộc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, chương trình đang được người lao động đón nhận nhiệt tình, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi với mong muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, giúp đơn vị, doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sáng kiến, quyết thắng đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.