Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy những “điểm sáng”

Đỗ Minh| 07/12/2018 06:49

(HNM) - Xác định nông dân là chủ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội Nông dân Hà Nội đã triển khai sâu rộng các phong trào, chương trình, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đến các cấp Hội, hội viên, nông dân.

Từ những phong trào của Hội, nhiều “điểm sáng” về kinh tế tập thể, nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu đã hình thành và phát triển, qua đó đóng góp tích cực, hiện thực hóa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao…

Mô hình sản xuất chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì).


Những phong trào thiết thực

Hưởng ứng phong trào nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, với sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, nông dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đã mạnh dạn đưa những giống chè mới năng suất, chất lượng vào sản xuất. Hiện, Ba Trại đã trở thành vùng sản xuất chè chất lượng cao của thành phố. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Đoàn Trọng Hùng cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi, đến nay, toàn xã có hơn 471ha trồng chè, trong đó có hơn 40ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Các diện tích trồng mới sau 3 năm cho thu hoạch với năng suất 5-8 tấn chè búp tươi/ha, có chất lượng thơm ngon, giá trị cao; bình quân đạt 130-150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn trồng các giống chè cũ 2-2,3 lần. Đối với mô hình chè VietGAP, năng suất chè khô bình quân đạt 1,8-2 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế đạt 170-220 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, đời sống người dân miền núi Ba Trại đổi thay rõ rệt.

Tại huyện Gia Lâm, từ phong trào “5 điểm, 10 việc Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế” đã xây dựng được nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đạt 400-600 triệu đồng/năm như: Chăn nuôi bò thịt ở Lệ Chi, chăn nuôi bò sữa ở Phù Đổng, trồng rau an toàn ở Văn Đức, trồng hoa ly ở Đa Tốn…

Không riêng Gia Lâm, Ba Vì, tại các quận, huyện, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế tập thể. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng, trong 5 năm qua (2013-2018), các cấp Hội Nông dân thành phố đã xây dựng được 538 mô hình kinh tế tập thể trên nhiều lĩnh vực, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương.

Không chỉ trên mặt trận kinh tế, Hội Nông dân các cấp còn triển khai hiệu quả các chương trình, phong trào thiết thực giúp nông thôn xanh, sạch, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiêu chí môi trường - một trong những tiêu chí khó tại nhiều địa phương khi xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã xây dựng và nhân rộng mô hình "5 không, 3 sạch", "Sạch nhà, tốt ruộng", "Thứ bảy, chủ nhật xanh". Qua đó, đã có hơn 56.000 lượt hội viên nông dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; 469 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; gần 300 câu lạc bộ “Thu gom vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật”...
Để giúp người dân đồng thuận, phát huy tinh thần tự nguyện, làm chủ, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, Hội đã vận động nông dân hiến hơn 273.000m2 đất; hơn 2,1 triệu ngày công; đóng góp hơn 5.506 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn... “Bằng những phong trào, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã góp phần rất lớn thúc đẩy hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng khẳng định.

Nhân rộng điển hình

Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hội viên nông dân còn liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Hưởng ứng các phong trào thi đua của Hội, trong nhiệm kỳ đã có hơn 1 triệu lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp Hội đã vận động giúp nhau 221.559 nghìn ngày công, hơn 255.528 tỷ đồng; giúp đỡ 32.014 hộ thoát nghèo, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn... Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo nhận định của Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Lê Trọng Khuê, qua vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia các phong trào, mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới... đã nâng cao nhận thức cho hội viên. Qua đó, phát huy tinh thần tự giác, phấn đấu thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Đặc biệt, trong tiến trình phát triển mới, Hội Nông dân tiếp tục nhân rộng hơn nữa các phong trào thi đua, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao theo đúng tinh thần Đảng bộ thành phố đề ra.

Để hoàn thành các mục tiêu, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền; đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, để có đội ngũ nông dân tiên tiến, tiếp cận nhanh với ứng dụng khoa học kỹ thuật, thời gian tới, Hội Nông dân chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thành phố, Trạm Khuyến nông các huyện tích cực đào tạo nghề cho nông dân nhằm cụ thể hóa chiến lược và chính sách đào tạo nghề cho nông dân thiết thực, hiệu quả; phát huy tối đa vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, xã hội tại các địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy những “điểm sáng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.