Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy năng lực nội tại của kinh tế tập thể

Bình Yên| 07/01/2013 06:58

(HNM) - Mười năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT),  dù có chuyển biến tích cực nhưng khu vực kinh tế này chưa hết khó khăn để vươn lên, đóng góp nhiều vào GDP như mục tiêu đặt ra.

Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng là tiền đề để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ảnh: Nhật Nam


Các tỉnh, thành ủy sớm xây dựng chương trình hành động kết hợp với tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 5 (khóa IX) trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị. Cấp ủy các cấp đã tuyên truyền, giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của KTTT, lợi ích về kinh tế - xã hội (KT-XH) khi tham gia tổ chức kinh tế này. Kèm theo đó, hệ thống cơ chế, chính sách phát triển KTTT được ban hành. 35 tỉnh, TP có chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã (HTX); 20 tỉnh, TP hỗ trợ về đất đai; 24 tỉnh, TP hỗ trợ về tài chính, tín dụng; 23 tỉnh, TP hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ… góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho KTTT phát triển.

Sau 10 năm thực hiện, đến nay cả nước có trên 370.000 tổ hợp tác (tăng hơn 53% so với năm 2001), thu hút khoảng 3 triệu thành viên. Mô hình này rất phổ biến, phù hợp với điều kiện KT-XH ở các địa phương, bao trùm tất cả ngành nghề, vùng miền (riêng khu vực Nam bộ chiếm 49,9%); đáp ứng nguyện vọng của người dân và là cơ sở hình thành phát triển HTX, liên hiệp HTX.

Trong 10 năm, cả nước có hơn 9.650 HTX mới được  thành lập (tổng số HTX hiện có khoảng 19.500). Nếu cuối năm 2001 chỉ có 12 liên hiệp HTX thì đến nay đã phát triển lên 54 liên hiệp HTX, thu hút khoảng 10 triệu xã viên, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động. Thống kê trong 100 HTX được tặng cúp vàng "HTX vì cộng đồng thịnh vượng" năm 2012 có tổng số vốn hơn 9.300 tỷ đồng, doanh thu gần 28.000 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX lãi hơn 6,3 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 3,6 tỷ đồng… Điều này cho thấy, KTTT đã khắc phục một phần tình trạng yếu kém, nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của các thành viên, góp phần phát triển KT-XH đất nước.

Dù có những điểm sáng, song KTTT vẫn chưa thoát khỏi yếu kém kéo dài. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Nhiều HTX không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, lúng túng trong xác định hướng hoạt động. Vốn chủ sở hữu bình quân của một HTX nông nghiệp là 1,2 tỷ đồng, lĩnh vực CN-TTCN là 1,8 tỷ đồng, lĩnh vực dịch vụ là hơn 650 triệu đồng, quá ít để mở rộng SXKD. Chưa kể, hơn 30% HTX thiếu trụ sở; đội ngũ cán bộ, chế độ đãi ngộ còn bất cập; nhiều HTX hoạt động chưa đúng luật. Liên tục trong 10 năm, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Điều đó có nghĩa, mục tiêu "đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế" mà nghị quyết đề ra chưa thành hiện thực.

Nguyên nhân căn bản khiến KTTT phát triển chưa tương xứng xuất phát từ nhận thức về các quan điểm phát triển KTTT trong nghị quyết chưa đầy đủ, thống nhất, chưa thấy hết được vai trò quan trọng của khu vực kinh tế này. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cấp ủy Đảng trong triển khai nghị quyết chưa được phát huy. Tiếp tục khẳng định vai trò của KTTT, TƯ Đảng thống nhất mục tiêu đến năm 2020, khắc phục hạn chế, yếu kém hiện nay, đưa KTTT thực sự trở thành thành phần kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển KT-XH đất nước. Theo đó, phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng, nòng cốt là HTX trên cơ sở liên kết rộng rãi lao động, các hộ SXKD, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đảng, Nhà nước sẽ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển HTX, các tổ hợp tác kiểu mới theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi; gắn phát triển KTTT với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc hoạt động của tổ chức KTTT, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò làm chủ thực sự của xã viên, cấp ủy Đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, phát triển KTTT của Đảng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Điều cần thiết nữa là các cấp ủy cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nghị quyết để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất cũng như chủ trương, quan điểm phát triển KTTT. Thực tế cho thấy, ở đâu, cấp ủy Đảng coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo KTTT, ở đó có chuyển biến rõ nét. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Đi đôi với đó, Đảng và Nhà nước cũng cần tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện khung pháp luật và nâng cao năng lực nội tại để KTTT cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy năng lực nội tại của kinh tế tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.