Kinh tế

Kinh tế tập thể Hà Nội kỳ vọng bứt phá

Bạch Thanh 29/02/2024 - 06:09

Đối diện nhiều thách thức, nhưng khu vực kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã - gọi chung là hợp tác xã) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm qua có chiến lược phát triển phù hợp, duy trì tăng trưởng, bảo đảm đời sống cho thành viên. Từ nỗ lực của các hợp tác xã, cùng chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, khu vực kinh tế tập thể đang kỳ vọng một năm nhiều bứt phá.

rau-mam.jpg
Chăm sóc rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Những tín hiệu vui

Khai thác thương hiệu “Gà đồi Ba Vì”, anh Ngô Trọng Hiển (Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, xã Thụy An, huyện Ba Vì) mạnh dạn cùng các hộ dân địa phương thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Trên diện tích khoảng 40.000m2, các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, nước uống tự động, lò ấp trứng công suất 4 vạn trứng/mẻ, mang lại cho gia đình anh Hiển 15-16 tỷ đồng/năm. “Để thịt gà thơm ngon hơn, ngoài việc thả gà ra môi trường tự nhiên, chúng tôi còn phối trộn thêm ngô hạt, khô đậu tương, cám gạo, chế phẩm sinh học... làm thức ăn cho gà”, anh Hiển chia sẻ.

Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Nguyễn Văn Tài cho hay: “Có giai đoạn, gà và trứng gà của Hợp tác xã dù có thương hiệu, đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán vẫn thấp... Đến nay, nhờ đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô khép kín, chất lượng sản phẩm bảo đảm, thương hiệu “Gà đồi Ba Vì” ngày một tiêu thụ mạnh”. Hợp tác xã đang tích cực xây dựng chuỗi liên kết với nhiều đối tác: Hệ thống siêu thị Metro, Lan Chi mart, Vinmart, Lotte; làm việc với chuỗi siêu thị Bác Tôm, hệ thống nhà hàng Pao Quán... Hy vọng, năm 2024, việc tiêu thụ theo chuỗi sẽ tăng mạnh.

Chia sẻ về dự định năm 2024 của Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Thám cho biết, đơn vị tiếp tục mở rộng canh tác (Hợp tác xã hiện có 17,8ha trong khi toàn bộ thị trấn Chúc Sơn có 65ha rau các loại), kết nạp thêm thành viên; phát triển hệ thống cơ sở vật chất nhà lưới, nhà màng, sơ chế hiện đại, vận dụng khoa học; hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ cao, tiến đến mô hình nông nghiệp 4.0. Hợp tác xã dự định chú trọng phát triển truyền thông mạnh mẽ hơn nữa nhằm hỗ trợ người tiêu dùng...

“Bệ đỡ” từ chính sách

Nhằm đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội bắt tay vào tổ chức sản xuất - tiêu thụ, mở rộng quy mô sản xuất, với kỳ vọng trong năm 2024 sẽ có nhiều bứt phá, tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo thêm việc làm...

trung-ga.jpg
Kiểm tra lò ấp trứng tại Hợp tác xã Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Phạm Hòa

Theo Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có 2.538 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 600.000 thành viên. Thời gian qua, việc hỗ trợ các hợp tác xã chưa bố trí nguồn riêng từ ngân sách nhà nước mà lồng ghép vào nhiều chương trình nên nguồn lực hạn hẹp. Các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… ít được thực hiện; tiếp cận tín dụng còn khó khăn.

Dưới góc độ chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho rằng: “Năm 2024, với việc Luật Đất đai (sửa đổi), từng bước đi vào cuộc sống, Luật Hợp tác xã và các chính sách tín dụng được “cởi trói”, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn Thủ đô sẽ có bước phát triển mới. Các hợp tác xã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã du lịch sinh thái… sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng, được tổ chức sản xuất, xây dựng công trình phụ trợ một cách bài bản hơn”.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong thông tin, năm 2024, Liên minh Hợp tác xã thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể, đặc biệt là Luật Hợp tác xã, Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới... Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ hơn bản chất, vai trò, ý nghĩa của hợp tác xã kiểu mới.

Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, nhân rộng các mô hình hợp tác xã tiên tiến hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng; chú trọng giới thiệu, học tập các mô hình hợp tác xã hiệu quả; ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, sản xuất tuần hoàn, sản xuất xanh; tập trung thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ kinh tế tập thể từ nguồn vốn trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ…

“Chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp tham mưu thành phố về chính sách, đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển hợp tác xã, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế tập thể của Thủ đô”, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Nguyễn Tiến Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tập thể Hà Nội kỳ vọng bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.