(HNM) - Sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Song, một số mục tiêu chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi có định hướng phát triển mới phù hợp với thực tế.
Học sinh Thủ đô tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. |
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Trong tiến trình phát triển, việc xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh bắt đầu từ mỗi gia đình, làng, bản, xã, phường, cơ quan, đơn vị thông qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", góp phần ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nước ta; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu. Vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, nhiều làng, khu phố tổ chức tổng vệ sinh môi trường. Những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi dần bị loại bỏ trong đời sống... "Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Việc xây dựng môi trường văn hóa được chú trọng hơn" - Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định.
Ghi nhận những thành quả đạt được, song Đảng ta vẫn thẳng thắn thừa nhận: "Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng". Do đó, thời gian tới, Đảng xác định: "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống".
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), gia đình chính là "kênh" chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng thành viên; bảo vệ, xây dựng môi trường văn hóa hiệu quả nhất. "Gia đình vừa là nơi bảo tồn văn hóa của các thế hệ tiền nhân, vừa là nơi trao truyền văn hóa cho từng cá thể, nơi kiểm tra, giám sát quá trình nhập thân văn hóa của các cá thể. Chính thành tố gia đình sẽ góp phần đắc lực vào việc ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Trong tình hình mới, chúng ta cần quan tâm toàn diện đến gia đình, xây dựng quan niệm về giá trị văn hóa ngay từ gia đình, làm sao để mọi hành vi của từng cá thể ở ngoài xã hội đều được soi rọi trong lăng kính của văn hóa gia đình" - PGS.TS Nguyễn Chí Bền kiến nghị.
Phát huy giá trị di sản văn hóa
Cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa, những năm qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản hướng vào cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhìn vào thực tế có thể khẳng định, nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa đã được Đảng và nhân dân hoàn thành một cách xuất sắc. Hàng trăm công trình di tích được phục dựng, tu bổ, tôn tạo mỗi năm; hàng trăm di sản phi vật thể giá trị từng bị chính chủ thể văn hóa (cộng đồng) lãng quên nay đã trở lại với cộng đồng. Nhiều di sản được các ngành, các địa phương xây dựng hồ sơ "ứng cử" danh hiệu di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di tích quốc gia đặc biệt hoặc có tên trong danh mục di sản văn hóa quốc gia. Hàng trăm nghệ nhân cả đời "uống nước lã" truyền dạy di sản, nay đã được nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác đã thực hiện việc kiểm kê lại toàn bộ hệ thống di sản để có thể đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị một cách hợp lý…
Theo kết quả thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia dành cho di sản văn hóa phi vật thể chỉ bằng khoảng 20% so với nguồn kinh phí đầu tư cho di tích. Hành lang pháp lý trong lĩnh vực quản lý di sản còn nhiều lỗ hổng, khiến cho một số di tích cần tu bổ cấp thiết không thể tiến hành dù có kinh phí huy động từ cộng đồng; một số người dân sống trong di sản chưa được hưởng lợi từ di sản, làm cho họ cảm thấy ngột ngạt khi được khoác danh hiệu. Lễ hội nước ngoài, lễ hội mới du nhập được tổ chức ở Việt Nam ngày càng nhiều; công tác tổ chức lễ hội dân gian nảy sinh nhiều bất cập... Trong giai đoạn 2016-2021, Đảng ta xác định: Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.