(HNMO) - Cách đây 100 năm, ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra làm “rung chuyển thế giới”, là một đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa đế quốc; đồng thời là niềm tin và động lực đối với phong trào công nhân và nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu...
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 90 của thế kỷ XX là một mất mát lớn, bài học đau xót đối với các Đảng cộng sản, nhưng tuyệt nhiên không phải do Cách mạng Tháng Mười như chủ nghĩa đế quốc vẫn rêu rao, mà bởi những nguyên nhân chủ quan nội tại và sự chống phá của các thế lực thù địch là chính, cùng những nhân tố khách quan. Đồng thời, ở khía cạnh khác, nó còn là minh chứng về sự không tuân thủ nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và bài học về giữ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng của Cách mạng Tháng Mười. Mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về Cách mạng Tháng Mười chẳng những lố bịch, mà còn thể hiện sự run sợ trước tầm vóc, sự ảnh hưởng tích cực của cuộc cách mạng vĩ đại này đối với toàn nhân loại. Đó cũng là sự biện giải về sức sống mãnh liệt của một cuộc cách mạng diễn ra cách đây một thế kỷ.
Cách mạng Tháng Mười Nga có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn và để lại những bài học vô giá đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt ở góc độ quân sự. Đường lối quân sự là một bộ phận của đường lối chính trị, nói cách khác là đường lối cách mạng của Đảng. Đường lối đó là hệ thống quan điểm của Đảng ta về quân sự, được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống, tư tưởng quân sự của dân tộc, tiếp thu học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị quân sự của Cách mạng Tháng Mười Nga và tinh hoa quân sự thế giới. Xét về nội hàm, đường lối quân sự của Đảng gồm ba bộ phận hợp thành, đó là: Đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân. Ba nội dung cơ bản này của đường lối quân sự xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam cả trước đây, hiện tại và sau này. Đường lối đó bất biến, gắn liền với sự tồn tại của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy ba nội dung cơ bản này luôn được thể hiện rõ trong từng thời kỳ, ở mỗi giai đoạn cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, để tiến tới Tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã chú trọng xây dựng thực lực cách mạng, nòng cốt là lực lượng vũ trang. Ngay từ năm 1935, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về Đội tự vệ, theo đó đội du kích Bắc Sơn, du kích Ba Tơ, đội Cứu quốc quân - mầm mống của lực lượng vũ trang lần lượt ra đời, tiến tới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22-12-1944 (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay). Việc xây dựng lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền thể hiện ở sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười về vấn đề giành và giữ chính quyền, về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của Đảng ta. Đây cũng là nội dung cơ bản của đường lối quân sự để Đảng ta lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ này.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đường lối quân sự của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển phù hợp. Với đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng linh hoạt, sáng tạo và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân cả nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh, gian khổ, kéo dài liên tục trong 30 năm, thống nhất đất nước. Nét đặc sắc của đường lối quân sự trong hai cuộc kháng chiến được thể hiện ở nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam độc đáo, sáng tạo; tư tưởng chiến lược tiến công - “kiên quyết không ngừng thế tiến công” - trong mọi thời điểm, hoàn cảnh, giai đoạn của cuộc chiến tranh giải phóng; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, trong đó đấu tranh quân sự giữ vai trò trực tiếp quyết định; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đường lối quân sự của Đảng ta tiếp tục được bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới; trong đó có sự vận dụng, phát huy giá trị quân sự và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười. Tiếp thu tinh thần của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, hiện nay, Quân đội nhân dân đang được đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó có một số lực lượng được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Phương hướng xây dựng Quân đội được Đảng ta xác định từ Đại hội Đảng VII và tiếp tục được khẳng định tại các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, gồm: Hải quân, Phòng không - không quân, Thông tin, Trinh sát kỹ thuật, Tác chiến điện tử, Cảnh sát biển Việt Nam. Quan điểm của Đảng là hoàn toàn đúng, nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu cho Quân đội nhân dân, đồng thời phù hợp với khả năng, thực tiễn của đất nước và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, Đảng ta đã và đang vận dụng sáng tạo, hiệu quả nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và giá trị quân sự của Cách mạng Tháng Mười vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo tư duy mới của Đảng, nội hàm bảo vệ Tổ quốc có sự mở rộng, phát triển, mà cốt lõi là: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc gắn chặt với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đây có thể được coi là Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc; trong đó, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, hệ thống giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới - đất nước hội nhập, phát triển. Cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Đảng ta đã và đang chỉ đạo xây dựng các chiến lược chuyên ngành, gồm: Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới... Những văn kiện trên là cơ sở lý luận - pháp lý quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đã tròn một thế kỷ trôi qua, nhưng tầm vóc, giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười không hề cũ. Cuộc cách mạng vĩ đại này sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường đối với toàn nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.