Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị, hiệu quả ngành Nông nghiệp

Thanh Tâm| 18/02/2023 15:40

(HNNN) - Nông nghiệp luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những biến động do đại dịch Covid-19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Phải làm gì để phát huy hơn nữa giá trị và hiệu quả của ngành Nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế? Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý xoay quanh vấn đề này.

Bà Đồng Thị Vinh - Giám đốc Hợp tác xã rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên):
Tạo cơ chế thu hút nguồn lực cho khu vực nông nghiệp

Trong những năm qua, Hợp tác xã rau quả an toàn Hồng Hà đã đi tiên phong trong phát triển nông nghiệp VietGAP và hữu cơ, qua đó đã thu hút hơn 30 người - chủ yếu là phụ nữ trung niên - tham gia sản xuất rau củ, quả sạch. Đến nay, sau 5 năm, Hợp tác xã đã không ngừng lớn mạnh, có được thị trường tiêu thụ ổn định; nhiều doanh nghiệp, trường học, cửa hàng thực phẩm sạch đã tin dùng, lựa chọn sản phẩm rau củ quả của Hồng Hà. Sản xuất rau củ quả an toàn đã giúp nhiều phụ nữ của địa phương có đời sống ổn định, dần khá giả từ nghề nông.

Tuy nhiên, mấy chục năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, chưa khi nào tôi thấy khu vực nông nghiệp Hà Nội “khát” nhân lực trẻ chất lượng cao và các vùng sản xuất ven sông “khát” hạ tầng cơ bản như hiện nay. Một trong những nguyên nhân là do hiện tại nông nghiệp Hà Nội vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ, không thể thu hút người trẻ cống hiến, theo đuổi ước mơ làm giàu từ nghề nông. Do đó, Nhà nước, Thành phố, ngành Nông nghiệp muốn nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, tiếp tục là kế sinh nhai của vài triệu nông dân Thủ đô thì cần có các chính sách đủ mạnh trên 2 lĩnh vực: Thu hút người trẻ có trình độ, năng lực yêu thích, gắn bó với đồng ruộng. Tiếp đó là đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất như đường giao thông, điện, nước. Thành phố nên triển khai nhân rộng mô hình đưa sinh viên các trường đại học về quản lý các hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương có vùng sản xuất chuyên canh. Tiếp đến là các học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, yêu thích gắn bó với nông nghiệp, nếu có nguyện vọng sẽ được cấp học bổng theo học ngành Nông nghiệp cho tới khi ra trường, rồi quay trở lại hỗ trợ nông thôn... Nguồn nhân lực trẻ này sẽ giúp các hợp tác xã, tổ sản xuất quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, tiếp cận với công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm...

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia nông nghiệp, chủ trang trại Đồng quê Ba Vì (huyện Ba Vì): 
Cần bồi đắp, hỗ trợ để trụ đỡ vững chắc

Cùng với Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết về phát triển vùng, trong đó đề ra nhiều mục tiêu cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một vấn đề lớn, rất ý nghĩa với ngành Nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân. Nhìn lại, chúng ta thấy rằng, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ đã nêu bật những thành tựu to lớn sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa X. Đó là nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. 

Ngành Nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và đóng góp mạnh cho xuất khẩu. Việt Nam đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, theo các trục sản phẩm chủ lực, nhóm sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để nông nghiệp vừa là nơi cung cấp thực phẩm an toàn, vừa gắn được với dịch vụ, du lịch, trải nghiệm sống lý thú; ngày càng có nhiều vùng nông nghiệp hữu cơ quy mô. Đây là mong mỏi của những người nặng tình với nông nghiệp. Chính vì thế, chúng ta không chỉ tôn vinh nông nghiệp như một trụ đỡ thuần túy cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà phải cần nhìn nhận đó là kế sinh nhai, là môi trường sống của hàng triệu người dân yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Và, đi cùng với danh xưng trụ đỡ, ngành Nông nghiệp, các địa phương... cần xây dựng, bồi đắp cho trụ đỡ này càng ngày càng vững chắc, để người nông dân sản xuất những sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ được ghi nhận, vùng nông sản xanh quy mô được tôn vinh.

Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai):
Hướng tới môi trường chăn nuôi an toàn, xanh - sạch

Trong những năm qua, chăn nuôi đã có sự chuyển dịch và đóng góp lớn cho ngành Nông nghiệp. Để bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác đều rà soát vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch; xây dựng quy định cụ thể về khu vực được chăn nuôi và vùng cấm nuôi; chú trọng thực hiện kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

Mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng thực tế, ngành chăn nuôi luôn phải đối diện với vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi. Khá nhiều nhà đầu tư đã không thể triển khai dự án của họ do chi phí xử lý ô nhiễm trong ngành chăn nuôi rất tốn kém. Các hợp tác xã, chủ trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ cũng phải đối mặt với vấn đề này. Do vậy, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào ngành kinh tế nông nghiệp thì việc chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, hữu cơ... là yêu cầu bắt buộc.

Nắm bắt được xu thế này, ngay từ ngày đầu thành lập, hợp tác xã đã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học, quản lý tốt cả môi trường gồm bên trong và cả bên ngoài chuồng trại… Cụ thể, nuôi lợn sinh học có những yêu cầu khắt khe, phải chú trọng đồng bộ từ khâu chuồng trại cho lợn hậu bị, chuồng sàn cho lợn nái, chuồng úm lợn con, chuồng cho lợn thịt riêng biệt cho đến hệ thống cho ăn, nước uống, kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, cần cách ly người ra vào trại lợn, đây là ưu tiên số một để tránh việc mầm bệnh lọt vào chuồng trại. Nhờ sự nhạy bén trong chăn nuôi, sản phẩm thịt lợn sạch của Hợp tác xã Đồng Tâm không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng ở Quốc Oai, mà còn có thể cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ để ngày càng có nhiều đơn vị chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường tốt hơn nữa, qua đó xây dựng một hệ thống chăn nuôi vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường sống xanh - sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị, hiệu quả ngành Nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.