(HNM) - Với loạt bài 8 kỳ “Chống được
- Ông có bất ngờ khi được trao Giải A?
- Tôi viết đề tài này với mong muốn nhận diện một cách hệ thống, có góc nhìn đa chiều, tương đối sâu về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực sự tôi không nghĩ đến giải thưởng mà chỉ mong có nhiều người đọc, đồng cảm và chung tay thực hiện nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài này. Thật vui vì loạt bài này được rất nhiều bạn đọc phản hồi, chia sẻ. Với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất.
Phòng chống tham nhũng lãng phí, suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. (Tranh: ndiep) |
- Điều ông tâm đắc nhất khi viết loạt bài này là gì?
- Trong loạt bài, tôi viết 3 bài về nhận diện tham nhũng, lãng phí, 2 bài phân tích nguyên nhân, hệ lụy, 3 bài nêu giải pháp. Ví như giải pháp phát huy dân chủ và truyền thông. Chúng ta cần tạo được nhiều diễn đàn giám sát và phản biện xã hội, giải tỏa những ấm ức, bức xúc của cán bộ, đảng viên và người dân. Cần phải coi khai thác, sử dụng triệt để tính tích cực của báo chí và truyền thông xã hội là một giải pháp quan trọng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, bản lĩnh, đạo đức con người, đồng thời cần khuyến khích toàn dân phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức thông qua báo chí và truyền thông xã hội… Thật vui vì nhiều giải pháp mà tôi đưa ra được bạn đọc phản hồi, đánh giá cao.
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để phát huy tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí?
- Chúng ta cần phát huy ba trụ cột để có thể chống tham nhũng thành công. Thứ nhất, phải phát huy sức mạnh toàn dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nòng cốt. Thứ hai, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc tích cực. Thứ ba là phát huy vai trò của báo chí truyền thông.
- Thông thường, nói đến chuyện viết loạt bài về đấu tranh tham nhũng, nhiều người rất ngại…?
- Là Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam, thú thực là tôi nhận được rất nhiều đơn thư gửi đến. Nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng, lãng phí thực sự là giặc nội xâm cực kỳ nguy hiểm, bởi chiến tuyến không rõ ràng, đòi hỏi chúng ta phải tìm giải pháp phù hợp. Những tác phẩm báo chí về vấn đề này chính là tiếng chuông cảnh tỉnh những ai đang đứng ngoài hoặc đi ngược lại tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Việc tổ chức giải báo chí lần này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; kịp thời biểu dương, cổ vũ những gương điển hình, những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt.
- Nhà báo đi tác nghiệp những vụ việc chống tham nhũng, lãng phí có thể gặp rất nhiều nguy hiểm. Ông nghĩ gì về trách nhiệm đồng hành, hậu thuẫn phóng viên trong việc này?
- Từng 15 năm làm Tổng Biên tập Báo Biên phòng, tôi hiểu rõ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến đấu đầy cam go, thử thách. Tôi nghĩ lãnh đạo các cơ quan báo không được phép để các nhà báo “cô đơn”, phải “chùn bước” khi tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Không chỉ là tác giả loạt bài đoạt giải, ông còn đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” ở một số báo điện tử. Đó phải chăng cũng là một giải pháp cho vấn đề này?
- Báo chí muốn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước tiên phải làm tốt công tác chống tiêu cực trong nội bộ. Chính vì vậy, tôi đề xuất lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sản xuất phần mềm theo dõi việc gỡ bài, sửa bài của các báo và trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Sau 3 tháng triển khai xây dựng phần mềm, tháng 8-2017, phần mềm này được đưa vào chạy thử rất thành công. Qua theo dõi những tháng cuối năm 2017, việc gỡ bài đã giảm hẳn (tháng 8 là 188 bài, tháng 9 là 77 bài, tháng 10 là 36 bài, tháng 11 là 20 bài, tháng 12 là 15 bài).
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.