(HNM) - 1.157 điện thoại iPhone nhập khẩu qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, nhưng được khai báo là hàng hóa khác hoặc không khai báo hải quan; khoảng 1 tấn ngà voi được phát hiện nhập lậu qua Cảng Hải Phòng… Đó là những vụ buôn lậu quy mô lớn vừa được ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ.
Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ảnh: Nhật Nam |
Cuối tháng 9-2018, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) nhận được thông tin phản ánh về hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng điện tử trái phép với số lượng lớn qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã cử cán bộ phối hợp với Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan Hà Nội xác minh, kiểm tra toàn bộ 3 lô hàng nghi vấn của Công ty TNHH VAK (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Kết quả, chủ lô hàng đã khai sai, không khai hàng hóa nhập khẩu, tổng số hàng hóa vi phạm gồm 1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại.
Cùng khoảng thời gian trên, Cục Hải quan Đà Nẵng nghi vấn một lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu chứa hàng cấm dự kiến về Cảng Tiên Sa Đà Nẵng đến từ Nigeria. Kết quả kiểm tra phát hiện trong container có khoảng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi. Đây là vụ bắt giữ ngà voi và vảy tê tê lớn nhất cả nước trong nhiều năm gần đây.
Cũng thời điểm này, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp với lực lượng liên quan đã kiểm đếm 24 thùng carton thuộc hai vận đơn được gửi từ Nigeria về Việt Nam. Mở kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện tổng trọng lượng ngà voi, sản phẩm ngà voi chứa trong 4 thùng carton là 183kg. Kiểm tra 20 kiện hàng thuộc một vận đơn khác, lực lượng Hải quan phát hiện bên trong chứa sản phẩm nghi là vảy tê tê, với tổng trọng lượng là 805kg...
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ngành Hải quan đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới. Hoạt động xuất, nhập khẩu, giao lưu hàng hóa quốc tế đa dạng trên phạm vi cả nước cũng dẫn đến nguy cơ vi phạm có thể xảy ra ở rất nhiều địa bàn. Hàng hóa vi phạm không chỉ là gian lận, trốn thuế, mà xuất hiện ngày càng nhiều hàng cấm gây nguy hại đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…
Trước thực trạng đó, ngành Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua áp dụng cũng như kết hợp đồng bộ giữa kiểm soát hải quan với các phương thức quản lý hải quan hiện đại như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống trang thiết bị hiện đại... Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng bám sát diễn biến tình hình tội phạm để phân tích thông tin, kịp thời ngăn chặn. Trong đó, tập trung vào các đường dây vận chuyển hàng cấm như ngà voi, tê tê, ma túy… Đồng thời, kiểm tra, xử lý, khởi tố, hoặc chuyển cơ quan chức năng khởi tố nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận, trốn thuế; tăng cường quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 12.069 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan; thu ngân sách hơn 240 tỷ đồng từ xử lý vi phạm. Cơ quan hải quan đã ban hành 48 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác khởi tố 68 vụ. Tính riêng từ ngày 16-8 đến 15-9-2018, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý 1.387 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính hơn 223 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.