(HNMO) - Một công trình nhân tạo cổ xưa nhất được biết đến vừa được tìm thấy trong một hang từ thời tiền cổ ở miền trung Hi Lạp, Bộ Văn hóa nước này cho hay.
Công trình cổ này là một bức tường đá dùng để đóng 2/3 lối vào hang Theopetra gần Kalambaka ở rìa phía bắc của vùng đồng bằng Thessalian. Nó đã được xây dựng từ cách đây 23.000 năm, có thể là một rào chắn gió lạnh.
"Một thử nghiệm xác định niên đại bằng quan học đã được tiến hành trên các hạt thạch anh nằm trong các khối đá. Chúng tôi đã xác định được niên hiệu của 4 mẫu vật khác nhau từ các chất lắng và đất, và tất cả chúng đều cho chung một kết quả về niên đại", ông Nikolaos Zacharias, Giám đốc viện khảo cổ học thuộc Đại học Peloponnese cho biết.
Theo công bố của Bộ Văn hóa, "niên đại này khớp với giai đoạn lạnh giá nhất của kỷ băng giá gần đây nhất. Điều này cho thấy rằng, những người cư ngụ trong hang đã xây bức tường đá để bảo vệ họ chống lại cái lạnh".
Được khai quật từ năm 1987, hang Theopetra rất nổi tiếng với các nhà cổ sinh vật học bởi nó đã được sử dụng và là nơi cư ngụ liên tục của con người từ thời kỳ đồ đá cũ trở đi (tức khoảng 50.000-5000 năm trước).
"Phát hiện mới mẻ về công trình bằng đá này rất quan trọng bởi nó cho thấy trình độ kỹ thuật của con người tại thời điểm đó", ông Zacharias nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.