Tôi lập gia đình đã ba năm nhưng vẫn chưa sinh con. Chồng tôi lại mới mắc bệnh lao phổi. Nghe nói phụ nữ có thể bị vô sinh nếu nhiễm lao sinh dục. Xin hỏi bệnh này như thế nào và cách phòng tránh? (Chị Nguyễn Thị Lan, Đan Phượng)
Tôi lập gia đình đã ba năm nhưng vẫn chưa sinh con. Chồng tôi lại mới mắc bệnh lao phổi. Nghe nói phụ nữ có thể bị vô sinh nếu nhiễm lao sinh dục. Xin hỏi bệnh này như thế nào và cách phòng tránh?
(Chị Nguyễn Thị Lan, Đan Phượng)
Lao sinh dục nữ (LSDN) là do vi khuẩn từ tổn thương sơ nhiễm lan truyền theo đường máu đến gây nhiễm nội mạc tử cung và ống dẫn trứng. Bệnh diễn biến âm ỉ và gây những hậu quả nghiêm trọng dẫn đến vô sinh. Đặc biệt, khi mang thai, lao ở hệ sinh dục nữ còn để lại bệnh lao bẩm sinh cho chính con của bệnh nhân sau này. LSDN thường là lao thứ phát, sau khi bị lao ở một số bộ phận khác, đặc biệt là lao ở phúc mạc. Bệnh này thường không có những triệu chứng sớm điển hình, dễ nhầm với các loại bệnh viêm nhiễm khác không phải do vi trùng lao nên phần lớn người bệnh không tự phát hiện được sớm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có biểu hiện đau vùng bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt… Để phát hiện bệnh cần phải có các xét nghiệm như thử phản ứng lao, cấy máu kinh tìm vi trùng lao, nạo sinh thiết tử cung, chụp điện quang tử cung - vòi trứng… Bệnh LSDN có khả năng điều trị khỏi nhưng di chứng do các tổn thương lao gây ra tại đường sinh sản thì thường vĩnh viễn và rất khó chữa để có thể có lại được chức năng sinh sản bình thường.
Để phòng bệnh, nhất là với những phụ nữ chưa sinh con sống trong gia đình có người mắc bệnh lao thì cần chú ý ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể; nơi ở, sinh hoạt thoáng mát sạch sẽ; hạn chế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm như không mặc chung quần áo, không dùng chung chăn gối, chậu tắm rửa, bát đũa… với người mắc lao; định kỳ 6 tháng đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh lao sớm, tránh mắc LSD có thể dẫn đến vô sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.