(HNM) - Sau khi hai tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín trên thế giới là Fitch và Moody nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ (TPCP) đã được phát hành thành công trên thị trường vốn quốc tế.
Với tổng khối lượng đặt mua trái phiếu cao gấp 10 lần mức chào bán, mức lãi suất phát hành là 4,8%/năm, thấp hơn so với dự kiến chào bán 5,125%, ước tính ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, khoản vay mới với lãi suất hợp lý sẽ góp phần làm giảm áp lực trả nợ công và khiến cơ cấu nợ của nước ta trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc sử dụng khoản vay này như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay là sự khẳng định thành công của việc phát hành trái phiếu chính phủ. Ảnh: Trọng Đạt |
Chủ động đảo nợ
1 tỷ USD TPCP kỳ hạn 10 năm đã được Bộ Tài chính phát hành thành công ra thị trường vốn quốc tế hôm 7-11 vừa qua. Đợt chào bán trái phiếu lần này diễn ra đồng thời với giao dịch hoán đổi hai TPCP đã phát hành ra thị trường vốn quốc tế trước đó đã đến hạn thanh toán vào năm 2016 và năm 2020. Bộ Tài chính cho biết, tổng trị giá đăng ký mua TPCP từ 437 nhà đầu tư quốc tế trong đợt phát hành lần này là hơn 10,6 tỷ USD (cao gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán ra là 1 tỷ USD), trong đó có 17% nhà đầu tư ở Châu Á, 28% nhà đầu tư ở Châu Âu và 55% nhà đầu tư Mỹ. Nếu theo loại hình nhà đầu tư thì có 84% là các công ty quản lý quỹ đầu tư, 12% là các ngân hàng và 4% là các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi lại trái phiếu đã phát hành được chấp nhận mua lại là 726.626.000 USD, trong đó mua lại 436.452.000 USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290.174.000 USD trái phiếu phát hành năm 2010.
Theo Bộ Tài chính, một trong những thành công của đợt phát hành TPCP năm 2014 là lãi suất phát hành thấp (4,8%/năm so với mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm). Ước tính, khoản tiền lãi mà Việt Nam phải trả nước ngoài ngay lập tức sẽ giảm đi 50 triệu USD, tiết kiệm cho ngân sách 1.000 tỷ đồng. Biện pháp đảo nợ chủ động này đã góp phần làm giảm áp lực trả nợ của Chính phủ trong ngắn hạn và khiến cơ cấu nợ công của nước ta trở nên an toàn hơn. Thành công của đợt phát hành TPCP là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong công tác quản lý nợ công thời gian tới.
Về đợt phát hành TPCP này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công có được là do kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Mới đây, hai tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín trên thế giới là Fitch và Moody đã liên tiếp nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Trong đó, Fitch nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody từ B2 lên B1. Thêm vào đó, Việt Nam đã phát hành TPCP vào đúng "thời điểm vàng". Việc có hơn 400 nhà đầu tư đặt mua TPCP của Việt Nam, cao gấp 10 lần so với lượng chào bán và có hơn 50% nhà đầu tư Mỹ là do nhu cầu trái phiếu của các nhà đầu tư Mỹ tại các thị trường mới nổi đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ chỉ hướng đến các thị trường tiềm năng với nền kinh tế tăng trưởng ổn định, chỉ số lạm phát ở mức thấp. Với những thị trường có hệ số an toàn cao, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận một mức lợi suất thấp hơn đôi chút. Song đổi lại, nguồn vốn đầu tư của họ sẽ an toàn hơn, vì thế TPCP của Việt Nam đã được nhà đầu tư Mỹ lựa chọn.
Và bài toán chi tiêu
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính quốc tế, việc các nhà đầu tư nước ngoài cho Việt Nam vay ở mức lãi suất thấp nhất thể hiện niềm tin tăng lên đáng kể đối với sự ổn định của kinh tế Việt Nam. Trong 1 tỷ USD đi vay lần này, có gần 700 triệu USD là hoán đổi lượng trái phiếu đã phát hành trước đây.
Như vậy, sau đợt đi vay này, khoản nợ 700 triệu USD của Việt Nam sẽ chỉ phải trả mức lãi suất bằng khoảng 2/3 của mức lãi suất cũ, tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho ngân sách quốc gia. Đây là một "phần thưởng" xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ. Tại bản báo cáo của Fitch, mức độ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên do kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, khu vực đối ngoại mạnh hơn... Những thay đổi rõ nét của Việt Nam như: Lạm phát từ trên 20% đã giảm về mức 6-7%; tốc độ tăng trưởng tín dụng bùng nổ ở những năm 2000-2010 có thời điểm lên tới 53%, cùng tỷ lệ đòn bẩy tín dụng tới trên 100% GDP đã được kiểm soát ở mức thích hợp trong hai năm qua và lãi suất đã bớt "nóng bỏng" hơn… Việc Việt Nam tăng dự trữ ngoại hối lên mức hơn 35 tỷ USD cũng là một con số rất đáng lưu tâm bởi các hãng xếp hạng tín nhiệm và nhà đầu tư quốc tế nhìn vào đó để định giá TPCP của Việt Nam trước khi ra quyết định đầu tư.
Ghi nhận thành công từ đợt phát hành TPCP lần này, song các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn đưa ra không ít vấn đề. Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang phải đối đầu với thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ xấu. Trong khi đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thu được kết quả như mong đợi… Đây là những thách thức mà Việt Nam phải giải quyết trong thời gian tới. Việc phát hành TPCP lần này thực chất là đảo nợ thành công và giảm áp lực thanh toán nợ công trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng hiện nay là sử dụng vốn vay thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ khi nào nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả thì mới có thể khẳng định thành công trong việc phát hành TPCP. Đây cũng chính là mấu chốt để các đợt phát hành TPCP trong thời gian tới đạt kết quả cao; đồng thời khẳng định uy tín của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.