Tài chính

Áp lực lớn với doanh nghiệp khi đáo hạn trái phiếu

Hương Thủy 14/10/2024 - 06:49

Sau giai đoạn khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế - đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn, đặc biệt là với doanh nghiệp bất động sản.

gia-tri-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-cua-nhom-ngan-hang-chiem-phan-lon-trong-tong-gia-tri-phat-hanh..jpg
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm ngân hàng chiếm phần lớn trong tổng giá trị phát hành.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp gia tăng

Theo số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong quý III-2024 đạt 147.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với quý liền trước và tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý III-2024, giá trị phát hành của nhóm ngân hàng chiếm 81% tổng giá trị phát hành; giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 14%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 280.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó giá trị phát hành của nhóm ngân hàng chiếm hơn 73% tổng giá trị phát hành.

Còn số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong tháng 9-2024, các doanh nghiệp đã mua lại 11.749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trên thị trường thứ cấp (trái phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư sau khi được phát hành trên thị trường sơ cấp), tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 9-2024 đạt 87.768 tỷ đồng, bình quân 4.619 tỷ đồng/phiên, tăng 40,2% so với bình quân tháng 8-2024.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tín hiệu ấm lên khi giá trị phát hành quý sau cao hơn quý trước. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp gia tăng chủ yếu do nhóm ngân hàng tăng huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn, phục vụ cho vay trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect Nguyễn Bá Khương lưu ý, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quý cuối cùng của năm 2024 là khá lớn, bởi đây là quý có giá trị đáo hạn lớn nhất trong năm nay. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý IV-2024 là gần 80.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng giá trị đáo hạn năm 2024. Chưa kể, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025 cũng không nhỏ, khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 180.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 5% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, và cũng tập trung vào quý III và quý IV. Như vậy, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng trong quý IV-2024, sau đó hạ nhiệt vào quý I và quý II-2025 rồi tăng trở lại vào quý III và quý IV-2025. Đáng lưu ý, tổng giá trị đáo hạn của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm trên 40%.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 9-2024, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi mới, với tổng giá trị 239,4 tỷ đồng. Hai mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực tài chính mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh chi phí vốn gia tăng.

Cách nào giải tỏa áp lực đáo hạn?

Để giải tỏa áp lực đáo hạn trái phiếu với doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia Nguyễn Bá Khương cho rằng, việc quan trọng là tạo ra dòng tiền để thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu đến hạn. “Đây là bài toán liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh và cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Về hoạt động kinh doanh, bài toán này đang được giải song cũng chưa thấy nhiều hiệu quả. Vướng mắc vẫn là vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản để giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Nguyễn Bá Khương nói.

Thực tế cho thấy, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, dẫn đến thực trạng cung - cầu trên thị trường bất động sản mất cân đối. Nhu cầu về nhà ở rất lớn, giá nhà tăng cao. Nhà giá rẻ khan hiếm khiến cho người thu nhập thấp khó mua. Các nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết sau khi Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, song cần có thời gian để thẩm thấu.

Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cũng cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Với bất động sản, vấn đề quan trọng hiện nay là giải quyết tính pháp lý cho các dự án. Ngoài ra, cần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, sau khi 3 luật mới nói trên có hiệu lực.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, thời gian qua, dòng tiền tập trung nhiều vào kênh tiết kiệm chứ không chảy vào thị trường chứng khoán, bởi thanh khoản trên thị trường này không cao. Có vẻ như dòng tiền đang nằm chờ cơ hội đối với thị trường bất động sản. Khi lượng cung của thị trường bất động sản tăng lên, thanh khoản trên thị trường này sẽ hồi phục trở lại. Đây có thể là điểm thuận lợi cho thị trường bất động sản cũng như doanh nghiệp lĩnh vực này trong thời gian tới, góp phần giải tỏa áp lực đối với trái phiếu đến hạn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Phát hành trái phiếu được giám sát chặt chẽ

o.thinh(2).jpg

Từ đầu năm 2024, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế hết hiệu lực, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện đúng theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với những điều kiện phát hành khắt khe hơn.

Điều này được thể hiện rõ trong quý III-2024, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng so với quý liền trước song chủ yếu từ gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng. Dù doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn song việc thực hiện nghị định này về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả, an toàn, ổn định và bền vững.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu:
Để cung - cầu quyết định giá nhà

o.hieu(2).jpg

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như năm 2025 là khá lớn bởi doanh nghiệp được gia hạn trả nợ trái phiếu của năm 2022 và 2023 là 2 năm (theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ). Với doanh nghiệp bất động sản, áp lực là không nhỏ bởi nhóm này chiếm số lượng lớn về trái phiếu đáo hạn trong khi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chưa hồi phục. Thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào cung - cầu song hiện nay cung - cầu trên thị trường chưa gặp nhau bởi nhu cầu về nhà ở xã hội rất cao nhưng nguồn cung ở phân khúc này ngày càng khan hiếm và giá nhà tăng cao.

Để giải tỏa điểm nghẽn trên là bài toán rất khó. Giải pháp là hãy để giá đất và giá nhà được quyết định bởi cung - cầu trên thị trường. Nếu giá quá cao, không có người mua thì doanh nghiệp sẽ tự khắc phải giảm để có giao dịch mua bán và có dòng tiền. Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá gây nhiễu loạn thị trường, nên đánh thuế bất động sản với cả bất động sản đầu tiên, không chỉ với bất động sản thứ hai trở đi như đề xuất trong thời gian qua.

Chị Đỗ Hà Phương, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân:
Cần minh bạch thị trường

c.phuog(1).jpg

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Kể từ sau giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản và chậm trả gốc/lãi tăng mạnh thời điểm từ quý cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, thị trường đã có sự phục hồi và đi vào ổn định. Để tạo niềm tin của nhà đầu tư, điều quan trọng là cần sự minh bạch trên thị trường. Đó là chế độ báo cáo thông tin bắt buộc; phía tổ chức phát hành cần minh bạch thông tin, có chiến lược huy động vốn, sử dụng vốn dài hạn để nhà đầu tư nắm được; tăng cường kiểm toán, thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Để tăng tính chuyên nghiệp của thị trường, rất mừng là thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tăng cường xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; tăng cường sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của chủ thể tham gia. Đồng thời cơ quan quản lý hướng tới mục tiêu quản lý chặt chẽ thị trường theo hướng bền vững, song vẫn tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn.
Thanh Hương ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực lớn với doanh nghiệp khi đáo hạn trái phiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.