Ngày 30-6, cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong vòng đầu tiên cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.
Các cuộc bỏ phiếu mở cửa lúc 8h địa phương (tức 13h Việt Nam), kết thúc vào 18h tại các thị trấn, thành phố nhỏ và lúc 20h ở các thành phố lớn hơn.
Cuộc bầu cử này dự đoán có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong hơn 20 năm qua, khi người Pháp phải quyết định có nên trao quyền hoạch định chính sách cho Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen hay không.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy RN đang dẫn trước các đảng còn lại với tỷ lệ khá cách biệt - từ 33% đến 36% số phiếu phổ thông. Tiếp theo là liên minh cánh tả mới được thành lập với tên gọi Mặt trận bình dân mới, dự kiến giành được 28-31% số phiếu ủng hộ. Liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron ở vị trí thứ ba với 23% số phiếu.
Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định tổ chức cuộc bầu cử này sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Tổng thống khẳng định, ông sẽ tiếp tục thực hiện chức trách cho tới thời điểm kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5-2027, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này.
Cuộc đua vào Quốc hội Pháp gồm 577 ghế được tổ chức 2 vòng. Tại mỗi khu vực bầu cử, nếu không có ứng viên nào giành được 50% phiếu bầu, các ứng viên giành được hơn 12,5% số phiếu bầu ở vòng 1 sẽ đi tiếp vào vòng 2 tổ chức ngày 7-7. Ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất ở vòng 2 sẽ giành được ghế đại biểu Quốc hội.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu đảng RN giành thắng lợi, nước Pháp có thể từ chỗ là trụ cột của EU trở thành "cái gai" đối với khối này. Việc bà Marine Le Pen có quan điểm thân Nga sẽ khiến lập trường của Pháp trở nên không chắc chắn đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Bên cạnh đó là yêu cầu giảm khoản đóng góp của Pháp cho ngân sách EU, bất đồng với Brussels về công việc của Ủy ban châu Âu (EC).
Chính trị gia Jordan Bardella, 28 tuổi, người được bà Marine Le Pen ủng hộ có thể trở thành thủ tướng nếu RN giành chiến thắng, sẽ triển khai một chương trình kinh tế chi tiêu cao và tìm cách giảm nhập cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.