Ngày 20-6, Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích Pháp vì nợ nần chồng chất.
Động thái đưa ra vào lúc cao điểm của chiến dịch bầu cử đã tạo không ít áp lực lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đang phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ phe cực hữu và cánh tả.
Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị 7 quốc gia, bao gồm cả Pháp, nên bắt đầu cái gọi là “thủ tục thâm hụt quá mức”, bước đầu tiên trong quá trình lâu dài trước khi bất kỳ quốc gia thành viên nào có thể bị “kỷ luật” và tiến hành hành động khắc phục.
Thâm hụt hằng năm của Pháp được xác định lên tới mức 5,5% GDP vào năm 2023.
Thông báo của EU có thể gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron khi đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen và một đảng cánh tả đều đang đưa ra các kế hoạch tập trung vào việc giảm thâm hụt chi tiêu để thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Phản ứng trước chỉ trích của EC, Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp François Villeroy de Galhau kêu gọi đừng làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nặng nề của nước Pháp, đồng thời, đề nghị làm rõ chiến lược kinh tế của đất nước. Lời kêu gọi được đưa ra vào lúc có rất nhiều hứa hẹn về kinh tế trong chiến dịch tranh cử của các đảng, vốn bị giới chuyên gia chỉ trích là quá tốn kém.
Trong một động thái trấn an, Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết, Pháp đang đi đúng hướng để giải quyết một số “sự mất cân bằng” nhất định.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở mức tương đối chậm 0,8% GDP vào năm 2024, trước khi tăng lên 1,3% vào năm 2025.
Không giống như các biện pháp áp đặt lên Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ, ông Paolo Gentiloni nói rằng, thắt lưng buộc bụng quá mức không phải là câu trả lời cho tương lai, bởi vì đây sẽ là một sai lầm khủng khiếp.
Ông cũng phản bác tuyên bố rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng đã khiến cử tri nghiêng về phía cực hữu, đồng thời chỉ ra rằng, ở một số quốc gia triển khai các điều kiện ngân sách nới lỏng hơn, phe cực hữu vẫn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Để bảo đảm sự ổn định của đồng tiền chung euro, cứ 6 tháng một lần, các số liệu thâm hụt chi tiêu công, nợ công được EC công bố chính thức cùng với các biện pháp “kỷ luật”.
Trong nhiều thập kỷ, EU đã đặt ra mục tiêu cho các quốc gia thành viên duy trì thâm hụt hằng năm ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội và tổng nợ ở mức 60% sản lượng.
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết, 7 quốc gia vượt ngưỡng thâm hụt công 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Hiệp ước Bình ổn gồm: Bỉ, Italia, Hungary, Malta, Slovakia, Ba Lan và Pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.