Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pháp: Chỉ số tín nhiệm rung lắc mạnh

Quỳnh Chi| 24/03/2013 07:17

(HNM) - Đúng vào lúc bộ máy cầm quyền của Tổng thống Pháp Francois Hollande đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội thì uy tín của nội các Chính phủ lại bị giáng một đòn mạnh.

Chính phủ của Tổng thống Pháp F.Hollande đang trải qua giai đoạn khó khăn.


Về mặt pháp lý, ông J.Cahuzac vẫn chưa bị truy tố nhưng Tổng thống F.Hollande đã phải chia tay vị bộ trưởng 60 tuổi này vì lo ngại vụ việc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của một nội các đã xác định chống trốn thuế là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ. Thế nhưng, sự ra đi của ông J.Cahuzac được xem như một mất mát với Tổng thống F.Hollande, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang lập kế hoạch dự toán ngân sách cho năm tới với mục tiêu phải tìm cho ra các khoản tiết kiệm để đạt được lộ trình cắt giảm thâm hụt theo đúng quy định của Liên minh Châu Âu (EU). Bản thân ông J.Cahuzac cũng được nhìn nhận là một trong những trụ cột của chính phủ, được nhiều người, kể cả bên phía đối lập đánh giá cao về năng lực. Và người thay thế ông J.Cahuzac, hiện là Bộ trưởng Các vấn đề Châu Âu Bernard Cazeneuve không phải là một chuyên gia về tài chính, ngân sách.

Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do OpinionWay tiến hành cho thấy, uy tín của Tổng thống F.Hollande tiếp tục giảm mạnh khi có tới 67% số người được hỏi thất vọng với cách điều hành của ông - mức thấp nhất với một Tổng thống Pháp sau 10 tháng nắm quyền kể từ năm 1981. Xu hướng tụt điểm liên tục của Tổng thống F.Hollande cũng được khẳng định qua các cuộc thăm dò dư luận của tất cả các viện thăm dò tại Pháp bất chấp việc nhà lãnh đạo này đã cố gỡ điểm phần nào với quyết định phát động chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali vừa qua.

Có nhiều lý do giải thích tại sao hình ảnh ông F.Hollande xuống dốc nhanh như vậy trong mắt cử tri. Trước hết, nền tảng tranh cử Tổng thống F.Hollande đã bắt đầu tan rã và hơn nữa, tuy đắc cử nhưng ông không nhận được sự ủng hộ thực sự của nhiều bộ phận cử tri. Sự mất lòng tin vào vị tổng thống bình dân của nhiều cử tri cũng được giải thích ở một khía cạnh khác rất quan trọng. Đó là tình hình kinh tế ảm đạm của nước Pháp. Hiện tại, "bóng ma" suy thoái vẫn luôn ám ảnh nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Bất chấp những kỳ vọng về sự phục hồi, ngay trong tháng 3 này, tốc độ sụt giảm của các hoạt động sản xuất và ngành dịch vụ tại Pháp đang ở mức nhanh nhất trong vòng 4 năm qua. Cụ thể, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của tháng 3 chỉ đạt 42,1 - giảm 1 điểm so với tháng 2. Số liệu mới nhất này đặt Pháp ở vị trí thấp hơn Tây Ban Nha, Italia và gần như xuống tới mức của Hy Lạp. Vấn đề nằm ở chỗ, ngành dịch vụ Pháp hiện đang chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế của đất nước. Theo nhiều chuyên gia, ảnh hưởng từ ngành dịch vụ sẽ kéo tăng trưởng kinh tế Pháp trong quý đầu năm 2013 xuống mức -0,7%, tức là suy thoái lần thứ ba chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vẫn không được cải thiện, đã lên tới 10,7% - mức cao nhất kể từ quý II năm 1999. Đây cũng là quý thứ sáu liên tiếp đất nước hình Lục lăng có số người thất nghiệp gia tăng. Nhìn chung, bức tranh kinh tế Pháp trong năm 2013 không mấy khả quan. Báo cáo đề cập đến tình hình kinh tế Châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khẳng định, năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Pháp sẽ vẫn "èo uột", triển vọng ngắn hạn còn nhiều rủi ro và thâm hụt ngân sách không thể giảm xuống dưới 3,5%. Một trong những nguyên nhân khác cản trở tốc độ phục hồi của Pháp là do thị trường vốn được xem là đầy tiềm năng này đang mất dần tính cạnh tranh.

Cùng với sự ra đi không mong muốn của Bộ trưởng Ngân sách J.Cahuzac và chỉ số uy tín sụt giảm, ngày 20-3 Chính phủ đảng Xã hội (PS) cầm quyền của Tổng thống F.Hollande đã phải trải qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội do Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đối lập đề xuất. Mặc dù may mắn vượt qua cuộc "sát hạch" uy tín nhưng chắc chắn trong thời gian tới, thành tích nghèo nàn về kinh tế sẽ tiếp tục là điểm yếu mà phe đối lập sẽ khai thác triệt để nhằm hạ uy tín của "bộ máy" đương nhiệm tại Điện Élysée.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pháp: Chỉ số tín nhiệm rung lắc mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.