Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân vô cơ tăng giá, phân bón hữu cơ lên ngôi

Sơn Tùng| 28/11/2021 10:56

(HNMO) - Năm 2021, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón vô cơ các loại tăng mạnh, nhiều loại tăng tới 70%, nông dân bán 2kg lúa chưa mua được 1kg phân bón. Đứng trước thực trạng đó, nông dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, làm giàu đất, tiết kiệm chi phí cho nông dân...

Cán bộ Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hướng dẫn nông dân Đan Phượng sử dụng chế phẩm sinh học để ủ phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ.

Nông dân chuộng phân hữu cơ

Đang thu hoạch lứa rau cải vụ đông sớm, ông Đặng Văn Tĩnh (thôn Lưu Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) chia sẻ, nếu như đầu năm mua 1kg phân lân giá chỉ 7.000 đồng thì nay tăng lên 15.000 đồng. Do vậy, gia đình đã chuyển phần lớn việc bón phân cho rau màu, cây ăn quả của trang trại sang phân hữu cơ được tận dụng từ các trang trại chăn nuôi xung quanh, ủ hoai mục rồi đem bón cho cây trồng.

"Với cây ăn quả trước đây, tôi thường bón 2-3kg phân lân mỗi gốc, nay giảm xuống còn 1kg/gốc, còn lại là rải phân hữu cơ. Nhờ cách làm này, từ đầu năm tới nay, gia đình tiết kiệm được 3 triệu đồng tiền phân bón mà năng suất rau màu, cây ăn quả vẫn bảo đảm ổn định", ông Tĩnh nói.

Tương tự, bà Hoàng Thị Hậu - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, nhờ sử dụng 100% phân bón hữu cơ hoai mục từ phụ phẩm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nói "không" với phân bón vô cơ nên dù vật tư nông nghiệp các loại tăng cao, gần 30ha rau hữu cơ của Hợp tác xã không bị tác động...

Nông dân Hà Nội đẩy mạnh sử dụng các loại phân hữu cơ bón cho cây trồng 

Nhiều cách tạo phân bón hữu cơ

Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp - Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), thời gian qua, đơn vị đã phổ biến nhiều cách thực hiện các chế phẩm vi sinh để nông dân sử dụng tạo phân bón hữu cơ. Có thể dùng các chế phẩm này phun đều mặt ruộng ngay khi thu hoạch lúa, rau màu... hoặc trộn với đất, cát, phân ẩm rắc đều mặt ruộng và cày, lồng vùi rơm rạ... Cách làm mới đang phát huy hiệu quả trong việc cung cấp giải pháp xử lý phế, phụ phẩm sau sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần giảm phân hóa học tổng hợp 30-50% tùy lượng rơm rạ, phụ phẩm để lại trên đồng...

Hiện cây thanh long ở khu vực phía Nam lên tới gần 60.000ha. Trong quá trình chăm sóc, khi thanh long đạt 4 năm tuổi trở lên sẽ xuất hiện những cành, bẹ không hữu dụng, thường được loại bỏ. Bình quân, mỗi ha sẽ có lượng cành cần được loại bỏ khoảng 12-15 tấn/năm. Để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp này cũng như phát triển bền vững cây thanh long, Phòng Thí nghiệm vi sinh - Viện Cây ăn quả miền Nam đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu xử lý cành thanh long thải bỏ bằng các chủng vi sinh vật có ích kết hợp với phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ sinh học". Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện đã đưa ra quy trình khuyến cáo nông dân sử dụng hiệu quả loại phế phẩm này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Phó Trưởng bộ môn Nông học - Viện Cây ăn quả miền Nam, với việc tận dụng vi sinh vật có ích đã giúp phân hủy cành thanh long thành chất hữu cơ (phân hủy cellulose trong tế bào), qua đó cung cấp dinh dưỡng lại cho cây thanh long, đồng thời cải tạo đất.

Hiện nay tại tỉnh Bình Phước, có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động, công suất 400-1.800 tấn/ngày. Tính bình quân thời gian hoạt động của các nhà máy khoảng 180 ngày/năm thì hằng năm, lượng chất thải rắn là khoảng 63.000 tấn, lượng bùn thải từ các hồ sinh học khoảng 60.000 tấn. Thạc sĩ Trịnh Kiều Dung, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bình Phước cho biết: "Đây là các nguồn chất thải gây ô nhiễm nghiêm trọng vì chứa các chất hữu cơ, xyanua, H2S và vi khuẩn gây hại. Do đó, địa phương cũng đã phối hợp với các nhà khoa học sử dụng nguồn bã thải này làm phân hữu cơ vi sinh, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn giúp giảm ô nhiễm môi trường".

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển phân bón hữu cơ. Mỗi năm có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, rác thải sinh hoạt, công nghiệp chế biến... Đây chính là những nguồn nguyên liệu tiềm năng rất lớn để sản xuất phân hữu cơ. Tuy nhiên, đã có thời điểm, nhiều địa phương để bỏ phí nguồn phế phẩm này, gây ô nhiễm môi trường. Với diễn biến giá phân bón vô cơ tăng cao, nông dân, hợp tác xã đã có sự chuyển dịch lớn sang sử dụng phân bón hữu cơ. Việc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật vào xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao cho thấy, đây là thời điểm để phân bón hữu cơ lên ngôi sau nhiều năm bị coi nhẹ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân vô cơ tăng giá, phân bón hữu cơ lên ngôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.