(HNM) - Giới chuyên môn đang lo ngại tình trạng phân phối không đồng đều các loại vắc xin có thể gây ra những rủi ro trong việc chống lại dịch bệnh đậu mùa khỉ. Trước tình hình này, các nước kêu gọi thực thi phân phối một cách thích hợp vì lợi ích chung của nhân loại để nỗ lực ngăn ngừa rủi ro dịch bệnh.
Mối quan tâm tới vắc xin đậu mùa khỉ nảy sinh khi nhiều khu vực trên thế giới từ tháng 5-2022 ghi nhận các đợt bùng phát. Tới nay, hơn 26.500 ca bệnh đã được ghi nhận ở 81 quốc gia. Từ cuối tháng 7, Brazil và Tây Ban Nha cũng đã thông báo về các trường hợp tử vong đầu tiên có liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài Lục địa đen, trong khi Mỹ sau khi ghi nhận hơn 6.600 ca bệnh (tính tới ngày 4-8) đã tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù đậu mùa khỉ khó lây lan hơn so với Covid-19, nhưng giới chuyên môn cảnh báo, tình huống vi rút lây lan sang các cộng đồng lớn sẽ làm tăng nhu cầu vắc xin. Hiện nay, vắc xin đậu mùa truyền thống vẫn là lựa chọn chính giúp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Theo người đứng đầu Phòng Nghiên cứu vi rút và hệ miễn dịch tại Viện Pasteur Pháp Olivier Schwartz, sử dụng một loại vắc xin tương tự để ngăn chặn vi rút là “chiến lược đã được chứng minh”. Tuy nhiên, thực tế thế giới chưa có nhiều lựa chọn chủng loại vắc xin giúp đẩy lùi bệnh đậu mùa khỉ.
Hiện nay, Hãng Bavarian Nordic (Đan Mạch) nắm giữ bằng sáng chế về vắc xin đậu mùa có khả năng hạn chế vi rút đậu mùa khỉ duy nhất được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, thường được biết đến với các tên gọi Jynneos, IMVANEX, IMVAMUNE. Vắc xin này đạt hiệu quả cao do hai loại vi rút đều thuộc họ orthopoxvirus và có protein giống nhau đến 95%. Ngoài ra, còn có lựa chọn thứ cấp là các vắc xin cũ hơn, gồm ACAM2000 và LC16, nhưng cả hai đều đang được đánh giá để xác định những tác dụng phụ và mức độ hiệu quả trước bệnh đậu mùa khỉ.
Về sản lượng, Bavarian Nordic cho biết, có thể sản xuất tới 30 triệu liều vắc xin mỗi năm, nhưng kín tiếng về phương án phân bổ. Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất Jynneos tại châu Âu của hãng này đóng cửa từ đầu năm và phải tới quý III tới mới có thể hoạt động lại. Thực trạng này khiến việc đáp ứng danh sách hơn một chục quốc gia chờ mua sản phẩm trở nên khó khăn. Về phần mình, các công ty có thể sản xuất ACAM2000 cho biết, hiện có thể cung cấp hơn 18 triệu liều mỗi năm và có thể tăng lên đến 40 triệu mỗi năm.
Mặt khác, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 16,4 triệu liều vắc xin Jynneos đã có sẵn trên toàn cầu, nhưng số này chưa được phân liều, đồng nghĩa với việc sẽ mất vài tháng trước khi có thể đưa vào sử dụng. Cùng với đó, việc xác định chính xác tỷ lệ vắc xin từng quốc gia tích trữ rất khó khăn bởi hầu hết từ chối tiết lộ con số chính thức.
Theo đài CNBC, Mỹ hiện tích trữ khoảng 36.000 liều vắc xin của Bavarian Nordic, khoảng 100 triệu liều ACAM2000. Đầu tháng 8, Bavarian Nordic cho biết sẽ cung cấp 350.000 liều cho một quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi châu Phi - nơi dịch hoành hành - lại chưa nhận được một liều vắc xin nào.
Tuy nhiên, nhu cầu vắc xin đậu mùa khỉ không cấp bách như vắc xin Covid-19. Theo WHO, đợt bùng phát này chưa cần tiêm chủng hàng loạt. Thay vào đó, vệ sinh và quan hệ tình dục an toàn sẽ kiểm soát sự lây lan hiệu quả.
Dù thế nào, sự thiếu hụt vắc xin dự trữ, năng lực sản xuất còn hạn chế và thực trạng phân phối vắc xin nghèo nàn ở các quốc gia có nguy cơ cao… tiếp tục nhắc nhở rằng, thế giới vẫn cần có những cơ chế triển khai vắc xin hợp lý nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những làn sóng dịch mới so với thời kỳ Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.