(HNM) - Việc xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản là giải pháp quan trọng để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, đòi hỏi công tác này cần phải được làm quyết liệt và chặt chẽ hơn.
Thực hiện Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3-12-2014 quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong 8 tháng năm 2017, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất 138 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm với tổng số tiền 895 triệu đồng.
Theo ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 21.000 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, trong đó 90% do cấp quận, huyện, thị xã quản lý, nhưng việc đánh giá, phân loại, thống kê chi tiết các cơ sở còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động đa ngành nghề, nhưng khi kiểm tra lại chưa hoạt động hoặc giải thể, hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác, gây khó khăn cho việc thống kê của địa phương... Bên cạnh đó, một số địa phương chưa kiên quyết trong xử lý và tái kiểm tra, nhắc nhở đối với các cơ sở xếp loại C, không đủ điều kiện để hoạt động.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: Huyện có 737 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy, hải sản, nhưng chỉ có 105 cơ sở đăng ký kinh doanh, còn lại là nhỏ lẻ, chưa có giấy đăng ký, hoạt động chủ yếu ở chợ dân sinh. Từ đầu năm đến nay, huyện đánh giá xếp loại hơn 74 cơ sở thì chỉ có 2 cơ sở xếp loại A, 22 cơ sở xếp loại B còn lại 50 cơ sở xếp loại C.
Theo đó, xử phạt 84 trường hợp chủ yếu không có giấy phép kinh doanh, không có chuyên môn về lĩnh vực đang kinh doanh như: Thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất; ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở còn hạn chế, đôi khi không hợp tác với chính quyền địa phương trong việc kê khai, xuất trình giấy tờ liên quan về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... khiến việc đánh giá, phân loại trở nên phức tạp, gây chậm tiến độ...
Việc xếp loại, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản là giải pháp quan trọng để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế việc người dân bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, nâng cao nhận thức khi thực hiện và hợp tác tích cực với các ngành chức năng trong quá trình đánh giá, phân loại; đồng thời, cần đầu tư trang thiết bị cần thiết như: Phòng kiểm nghiệm; dụng cụ test nhanh về chất lượng, an toàn thực phẩm... phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại quận, huyện, thị xã.
Để việc đánh giá, phân loại cơ sở nông, lâm, thủy sản đạt hiệu quả, theo ông Trần Mạnh Giang, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tần suất kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, công khai cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết; cập nhật thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh ở cơ sở để có hướng xử lý kịp thời, phù hợp...
Mặt khác, các địa phương cần đầu tư nâng cấp hạ tầng theo nhu cầu phát triển và áp dụng chế tài xử lý nghiêm những cơ sở xếp loại C, chây ỳ, tái vi phạm... nhằm bảo đảm chất lượng nông sản khi lưu thông và tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.