(HNM) - Nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân, đặc biệt là những gia đình đông người có nhu cầu tách ra ở riêng, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định diện tích tối thiểu khi chia tách thửa.
Tuy nhiên, lợi dụng chính sách mang tính an sinh xã hội này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phân lô, tách thửa tràn lan nhằm mục đích kinh doanh. Theo chân một người môi giới nhà đất tới xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, chúng tôi được giới thiệu những nền đất có diện tích từ 60m2 đến hơn 100m2 tiếp giáp với tỉnh lộ 10. Tiếp chúng tôi, một người tự xưng nhân viên của một công ty đang phân phối dự án Khu dân cư An Ha Lotus cho biết, tất cả các nền ở đây đều đã có sổ hồng và giấy phép xây dựng theo tiêu chuẩn một trệt, một lầu. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có thể xây dựng tự do theo nhu cầu không, nhân viên này cam đoan... "xây kiểu gì cũng được".
Tại huyện Hóc Môn, từ năm 2010 đến nay, đã duyệt 220 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo phân lô khoảng 2.300 nền nhà. Còn tại quận Thủ Đức, từ tháng 10-2014 đến cuối năm 2015 đã có 133 hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 13,5ha, qua đó hơn 1.500 nền đất đã được phân lô, bán. Hệ thống giao thông kết nối từ các khu đất được phân lô với trục chính chỉ là những con đường chật hẹp, không có vỉa hè và chưa hoàn thiện. Nhìn chung, hạ tầng của hầu hết các dự án kiểu này đều không bảo đảm. Những dự án chủ yếu mọc lên ở khu vực dân cư tự phát, không đáp ứng quy định khu đất được phép tách thửa phải "bảo đảm hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu". Thực trạng này dẫn đến nguy cơ làm phá vỡ quy hoạch, xuất hiện những khu nhà "ổ chuột" mới.
Thành phố Hồ Chí Minh từng có bài học "xương máu" về quy hoạch đô thị khi để bùng phát tình trạng chia lô, bán nền từ trước năm 2002 và phải mất hàng chục năm khắc phục hậu quả, vậy phải làm gì để không lặp lại vết xe đổ? Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), quản lý đô thị lỏng lẻo dẫn đến hậu quả rất nặng nề, gây ra những "vết sẹo" đô thị. Người dân sẽ rất khổ sở vì thiếu điện nước, trường học, bệnh viện và các tiện ích tối thiểu khác. Từ đó phát sinh tệ nạn xã hội, gánh nặng về an sinh. Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện tạm thời ngừng việc giải quyết các hồ sơ tách thửa kiểu phân lô hộ lẻ nhằm hạn chế trường hợp phát sinh, sau đó thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát kiên quyết xử lý sai phạm.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý về quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết vấn đề, các quận, huyện cần xác định những khu vực phù hợp quy hoạch, có kết nối hạ tầng giao thông với khu dân cư hiện hữu, từ đó lập quy hoạch 1/500, lập dự án đầu tư sau đó mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Điều này không những giải quyết được bài toán về quy hoạch, mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.