(HNMO) - Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại đợt họp thứ hai của kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự tán thành với việc sửa đổi dự án Luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm phân định rõ về người nghiện ma túy và tội phạm ma túy để có cách ứng xử phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
Thực tiễn thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cho thấy, qua quá trình triển khai, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành.
Đơn cử quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về việc quản lý đối tượng này.
Quy định về công tác cai nghiện cũng còn một số bất cập. Số người nghiện có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2009, cả nước có trên 146.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, thì đến tháng 12-2019, cả nước có trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%)…
Thảo luận tại tổ, đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi dự án Luật này nhằm tương đồng với luật pháp quốc tế về phòng, chống ma túy. Theo đại biểu, hiện nay tội phạm ma túy đã có sự thay đổi lớn về phương thức hoạt động, thậm chí đã có tình trạng chiết xuất ma túy để buôn bán ngay trong nước. Với việc siết chặt các quy định tại dự án Luật sửa đổi là hoàn toàn phù hợp để trấn áp tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) cho rằng, để sửa đổi Luật này hiệu quả, cần xác định rõ người nghiện ma túy và tội phạm ma túy. Với người sử dụng trái phép chất ma túy, phải có hình thức xử phạt chứ không thể đơn thuần coi là người bệnh, dẫn đến tình trạng con nghiện ngày càng gia tăng.
Đại biểu cũng lưu ý hai đối tượng. Trong đó, đối tượng 18 tuổi trở lên sử dụng ma túy thì phải xử lý hành chính và có biện pháp cai nghiện để trở về hòa nhập với xã hội. Đối tượng dưới 18 tuổi thì gia đình phải đăng ký tự nguyện để giúp người nghiện là con em họ cai nghiện ở nhà. Nhưng với trẻ em lang thang nghiện hút, không có gia đình tự quản lý thì cần có tổ chức để giúp họ thực hiện cai nghiện phù hợp, bảo đảm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng góp ý, khi sửa đổi Luật này phải tính toán để làm sao người buôn bán vận chuyển trái phép ma túy phải bị trừng trị nghiêm khắc; người sử dụng ma túy sẽ được cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị có chế tài xử lý nghiêm minh với những đối tượng ép buộc, dụ dỗ người khác sử dụng ma túy, đặc biệt là đối tượng dụ dỗ trẻ em sử dụng ma túy. Cùng với đó, cần cập nhật danh sách các loại ma túy tổng hợp vào danh sách cấm để ngăn ngừa ma túy xâm nhập cộng đồng.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh tán thành việc quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, gồm: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, với người nghiện ma túy thì phải coi đây là con bệnh đặc biệt, bởi người sử dụng trái phép ma túy là đã vi phạm các quy định của pháp luật và phải đối xử như một công dân có hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải như một công dân bình thường…
Tại phiên thảo luận tổ chiều 2-11, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện góp phần giảm người nghiện ngoài xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.