(HNMO) - Sáng 13-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Về lao động khu vực biên giới khi đi lao động ở nước tiếp giáp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến bày tỏ đồng tình với việc chưa đưa đối tượng này điều chỉnh trong dự luật là hợp lý. Tuy nhiên, trong phạm vi quản lý chỉ điều chỉnh đối tượng là cư dân tại phường, xã, thị trấn khu vực biên giới là chưa thuyết phục, vì hiện nay nhiều lao động của cả nước đi lao động tự do ở các quốc gia lân cận, chứ không chỉ riêng ở khu vực biên giới. Do đó, dự thảo nên bổ sung nguyên tắc để có căn cứ cho Chính phủ ban hành nghị định riêng hướng dẫn và quản lý đối tượng lao động này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu quan điểm, dự án luật cần điều chỉnh chính sách nhà nước áp dụng không chỉ với lao động phổ thông, mà cả lao động trình độ cao, bên cạnh đó, có chính sách sử dụng người đi du học rồi ở lại nước ngoài làm việc khi họ trở về nước làm việc.
Tuy nhiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật này là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, phải phân biệt rõ, các đối tượng là các chuyên gia, lao động tự do ở khu vực biên giới không phải đối tượng áp dụng của dự án luật.
Về vấn đề không sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu”, mà sử dụng khái niệm “vốn điều lệ” đối với các doanh nghiệp được quy định trong dự án luật để thống nhất với Luật Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sử dụng khái niệm “vốn chủ sở hữu” là cần thiết, có như vậy mới quản lý được "gốc rễ" của doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện duy trì hoạt động của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, dự luật cần quy định các thủ tục, trình tự bảo vệ người lao động xảy ra sự cố tại nước ngoài bảo đảm khả thi, nhanh chóng, giúp bảo hộ người lao động một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Cho ý kiến về các nội dung được nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vốn điều lệ do doanh nghiệp tự khai báo, nhưng vốn chủ sở hữu có thể kiểm soát thường xuyên, là biện pháp về mặt pháp lý để đáp ứng yêu cầu xử lý trong trường hợp lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra sự cố.
Về vấn đề lao động ở khu vực biên giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất về bản chất đây là di cư lao động tự do. Do đó, không đưa nội dung này vào quy định trong Luật, mà Bộ đang nghiên cứu ban hành nghị định riêng để quản lý.
Kết luận nội dung thảo luận về dự án luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, bổ sung các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
* Cũng trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ thực hiện các thủ tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước là 6,64 tỷ đồng để đưa vào Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước hoặc Nghị quyết chung của kỳ họp.
Đồng thời, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo với số tiền là 20,682 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.