(HNMO) - Đó là mục tiêu được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng thông tin tại lễ hội “Hành trình yêu 2022 - Tinh tỉnh tình yêu”, diễn ra ngày 13-8, tại Hà Nội. Lễ hội này nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn trong lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam” do Tổ chức Dịch vụ dân số quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ.
Theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, thời gian qua, trong công tác dân số, việc giáo dục về sức khỏe sinh sản - tình dục tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp với nhu cầu và tình hình thực tế.
“Chương trình giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình - sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường chưa đầy đủ và phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới; tiếp cận thông tin, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành về sức khỏe sinh sản còn hạn chế. Cùng với đó, việc cung cấp dịch vụ thân thiện về dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên…”, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng dẫn chứng.
Từ thực tiễn đó, theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, cần phải xây dựng các hoạt động can thiệp, nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, phấn đấu đạt mục tiêu giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong thời gian tới, với nhóm vị thành niên, thanh niên, chương trình dân số tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất là tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình, đề án, kế hoạch “Tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên”.
Thứ hai là hướng dẫn đổi mới sinh hoạt chuyên đề về các chủ đề “Đồng hành cùng tuổi dậy thì” cho các em học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học, cải thiện kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh có thai ngoài ý muốn.
Thứ ba là triển khai thí điểm và mở rộng chương trình giáo dục cho nam, nữ trước khi kết hôn.
Thứ tư là tổ chức các sự kiện nhằm khuyến khích thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi, đẻ đủ 2 con trước 35 tuổi; thí điểm và từng bước mở rộng các mô hình can thiệp phòng tránh vô sinh; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường sinh sản.
Để thực hiện thành công, theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng cần có sự phối hợp của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước, sự tham gia hưởng ứng tích cực của các bạn học sinh, sinh viên vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.