Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phản biện xã hội tại cấp quận, huyện, thị xã: Dè dặt ngay từ khâu ký kết

Nguyễn Linh| 04/06/2013 06:05

(HNM) - Quá trình triển khai phối hợp phản biện xã hội giữa HĐND, UBND, MTTQ cùng cấp vẫn gặp nhiều vướng mắc, khiến công tác này chưa phát huy hiệu quả.

Nhận thức chưa đầy đủ

Tính đến nay, Hà Nội mới có 5 quận, huyện là Từ Liêm, Thanh Xuân, Ứng Hòa, Long Biên và Gia Lâm tổ chức được hội nghị PBXH trước kỳ họp HĐND cùng cấp. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Từ Liêm Nguyễn Xuân Ứng cho biết: "Sau 6 tháng tích cực chuẩn bị theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ TP, Từ Liêm là đơn vị đầu tiên triển khai hội nghị PBXH. Tuy được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy nhưng công tác PBXH gặp không ít khó khăn do đây là việc khó. Chưa kể, các chuyên gia, nhà khoa học, những người đủ khả năng phản biện chưa mặn mà vì nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do thù lao thấp, phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu pháp luật và chắc chắn sẽ đụng chạm đến nhiều người…". Không riêng ở Từ Liêm, các quận, huyện Thanh Xuân, Ứng Hòa, Gia Lâm… cũng gặp khó khăn trong việc mời chuyên gia phản biện.

Bên cạnh đó, để công tác PBXH hiệu quả, có nội dung sát thực, liên quan đến những vấn đề được người dân quan tâm thì nội dung các chương trình, kế hoạch, đề án hoạt động, quyết sách của HĐND, UBND cùng cấp phải được cung cấp từ trước. Như vậy, MTTQ mới đủ thời gian nghiên cứu, từ đó lựa chọn nội dung phản biện và mời chuyên gia phản biện phù hợp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ một số quận, huyện, dù ít hay nhiều, gián tiếp hay trực tiếp, nội dung phản biện đều liên quan đến việc điều hành của cấp ủy, chính quyền. Tuy có quy chế phối hợp ba bên (HĐND, UBND, MTTQ) nhưng các đơn vị cũng không cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu cho Ủy ban MTTQ. Đáng ngại hơn, việc thực hiện quy chế phối hợp PBXH giữa ba bên không được ủng hộ ngay từ khâu ký kết. Ủy ban MTTQ quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch hướng dẫn quy chế phối hợp ba bên nhưng sau hơn 3 tháng, cán bộ mặt trận phải hỏi đích danh người có trách nhiệm, việc ký kết quy chế mới được tiến hành.

Trên thực tế, công tác PBXH phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhận thức chưa đầy đủ của cán bộ, lãnh đạo UBND, HĐND chính là lý do khiến 10 quận, huyện chưa thể tiến hành ký kết quy chế phối hợp ba bên; 14 đơn vị còn lại tuy ba bên đã đồng ý về thủ tục phối hợp nhưng chưa xúc tiến thực hiện, hội nghị PBXH vẫn chưa thể triển khai.

Đổi mới quy chế phối hợp

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Ba Đình Nguyễn Quang Tuấn cho rằng: "Công tác PBXH khó vì chưa có quy chế pháp lý, khái niệm phản biện không rõ ràng. Ngay nội dung "Quy chế phối hợp tổ chức PBXH" do HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP ký kết cũng mới chỉ dừng lại ở mức tranh thủ sự góp ý của nhân dân, MTTQ cùng cấp… góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành. Điều này khiến những người được mời phản biện không mấy tin tưởng vào hiệu quả công tác PBXH".

Đồng tình với ý kiến của ông Tuấn, lãnh đạo MTTQ một số quận, huyện nêu thêm, MTTQ cấp quận, huyện, thị xã là đơn vị thực hiện chủ trương của Trung ương và thành phố, nay chuyển sang xây dựng chính sách nên rất bỡ ngỡ. Thành phố cần tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, hướng dẫn phương pháp triển khai, lựa chọn nội dung phản biện… thì công tác phản biện cấp quận, huyện mới đạt chất lượng, hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, HĐND, UBND TP Hà Nội cần ban hành hướng dẫn ngành dọc triển khai phối hợp trong PBXH, có quy chế cung cấp thông tin, tiếp thu, trả lời các nội dung phản biện... Hơn hết, "Quy chế phối hợp tổ chức PBXH" cần được đổi mới, mở rộng phạm vi, nội dung phản biện, nâng cao vai trò PBXH với các cơ quan nhà nước. Có như vậy, MTTQ, các đoàn thể, người dân mới tích cực phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghĩa vụ tham gia giám sát các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người dân.

Trách nhiệm PBXH của Ủy ban MTTQ đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành. Để MTTQ thực hiện tốt nhiệm vụ PBXH, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức, thống nhất hành động trong xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước, đòi hỏi ngoài sự tự khẳng định vai trò của MTTQ cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền nhiều hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phản biện xã hội tại cấp quận, huyện, thị xã: Dè dặt ngay từ khâu ký kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.