Chính trị

“Tròn vai, thuộc bài” trong giám sát, phản biện xã hội

Hiền Phương 06/07/2023 - 15:58

Giám sát, phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 6-7, các đại biểu thêm một lần nữa khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì hội nghị. 

qc(1).jpg
Quang cảnh hội nghị.

Ngày càng thực chất

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng chương trình, báo cáo cấp ủy, bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo.

Hiện nay, Mặt trận các cấp đang thực hiện 4 hình thức giám sát. Đó là, thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giám sát 60.463 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Tổ chức 87.356 đoàn giám sát do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì. Tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được 159.492 cuộc. Ngoài ra, ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức được 144.462 cuộc giám sát...

Về hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Nghị quyết liên tịch số 403 ra đời đã góp phần quan trọng giúp công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc hiệu quả hơn, bài bản hơn. Việc thực hiện các chương trình giám sát của Mặt trận, trong đó có các chương trình phối hợp giám sát với các cơ quan nhà nước, tổ chức thành viên thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhiều nơi đã quan tâm xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội...

Giám sát đến cùng, phản biện đến cùng

Tham dự hội nghị, nhiều đại biểu đã đề xuất giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội thời gian tới.

qh.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành tham luận tại hội nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành đề xuất, việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bao quát hơn nữa; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan của Quốc hội, giám sát đến cùng, phản biện đến cùng...

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho rằng, cần nghiên cứu kinh phí hỗ trợ tương xứng trong phát huy vai trò và trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học tham gia giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, cần xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật.

truong.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường tham luận tại hội nghị.

Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác giám sát, phản biện xã hội theo đúng tinh thần Chỉ thị 18/CT-TƯ của Ban Bí thư. Cấp ủy các cấp cần có quy định cụ thể về quy chế làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về công tác giám sát, phản biện xã hội. Có nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp thu và thực hiện các kiến nghị giám sát của Mặt trận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Chiến kiến nghị, cần có chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ; sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường, luân chuyển, rèn luyện cán bộ theo đúng quy định, kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu làm công tác Mặt trận.

chien.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội nghị.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và Nghị quyết liện tịch số 403 nói riêng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, nhân dân.

Cùng với đó là tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm “tròn vai, thuộc bài” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tròn vai, thuộc bài” trong giám sát, phản biện xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.