Là một trong những Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, Hà Nội đang trong quá trình vận động, biến đổi không ngừng với guồng quay phát triển chóng mặt.
Là một trong những Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, Hà Nội đang trong quá trình vận động, biến đổi không ngừng với guồng quay phát triển chóng mặt. Điều này mang đến cho Hà Nội những cơ hội lớn để phát triển nhưng cũng nảy sinh những “va đập” về mặt văn hóa. Lo ngại về việc người Hà Nội mất bản sắc, phai mờ truyền thống, xuất hiện những nét tính cách không phù hợp, những ứng xử xấu xí... đang là trăn trở của Thủ đô.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà văn hóa, ngoại giao, kiến trúc sư, chuyên gia am hiểu về Hà Nội.
- Hà Nội đang phát triển rất nhanh, trong quá trình đó không tránh khỏi sự “va đập” giữa nhịp sống hiện đại với nếp sống truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm. Các ông nhận diện hiện trạng này như thế nào?
- Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam - Saadi Salama: Ngày nay, Hà Nội phát triển rất nhanh và hiện đại. Văn hóa, con người Hà Nội đã dần thay đổi cùng với sự biến chuyển, vận động của xã hội, phát triển kinh tế. Những năm đầu tiên tôi đến Hà Nội, cả thành phố mới có khoảng 1,5 triệu dân, đến nay, Hà Nội có khoảng 10 triệu dân. Cuộc sống đô thị của Hà Nội đã nhanh hơn khiến con người vội vã hơn. Đường phố cũng thay đổi nhiều. Tôi từng nói với một người bạn: Hà Nội bây giờ không còn đẹp như xưa nữa. Đường phố Hà Nội đông đúc, người tham gia giao thông chen lấn nhau gây tắc đường, người đi bộ không còn vỉa hè để đi, rác thải bị xả từ phố lớn đến ngõ nhỏ... Đó là những tác nhân lớn khiến Hà Nội đang mất đi vẻ thanh bình, lãng mạn và đầy chất thơ.
- Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Hà Nội hiện đang là một trong những Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Việc mở rộng địa giới hành chính giúp cho Hà Nội có thêm nguồn văn hóa dồi dào khi văn hóa Thăng Long duy trì mềm mại cùng với văn hóa xứ Đoài. Không lâu nữa, Hà Nội sẽ trở thành một đại đô thị, song bên cạnh đó, Hà Nội vẫn có các làng, xã với nền nếp thôn quê. Vấn đề của Hà Nội là cần phải tránh việc nông thôn hóa thành thị, phát triển các vùng quê hiện đại, đáng sống nhưng vẫn phải giữ được những nền nếp văn hóa làng quê giàu bản sắc.
Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường khiến vật chất “lên ngôi”, tác động trực tiếp đến một bộ phận người dân, nhiều giá trị truyền thống mai một. Nhiều phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội xưa đang bị lu mờ. Trong xã hội xuất hiện không ít người hám lợi, vô cảm, thờ ơ trước những khó khăn của người khác. Đây là một trong những điều đáng sợ nhất của xã hội hiện đại.
- Giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã trải qua các thời kỳ nghiệt ngã như bị đô hộ, chiến tranh, đói khổ... giờ đây đã được sống trong thời bình, vì thế, tâm thế xã hội có sự thay đổi. Người Hà Nội xưa “sống chậm”, thong dong, ứng xử hiền hòa, từ tốn. Nhưng trong cuộc sống hiện đại xuất hiện xung đột về văn hóa, lề lối ứng xử khiến con người dễ nổi cáu, tức giận, suy nghĩ tiêu cực. Tôi cho rằng, chúng ta cần duy trì một xã hội mềm mại, giảm xung đột về văn hóa, khác biệt vùng miền. Sự mềm mại đó thể hiện trong cách ứng xử, lối giao tiếp giữa con người với con người trong môi trường gia đình, trường học, cơ quan, đoàn thể... Cách ứng xử cần được điều tiết một cách nhẹ nhàng thông qua chính sách quản lý, công tác tuyên truyền, giáo dục và các bài học trong giảng đường.
- Ngoài hiện tượng nêu trên, một trong những vấn đề khiến nhiều người lo lắng là vấn nạn nói tục, chửi bậy. Các ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này?
- Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Trước kia, người Hà Nội không bao giờ nói tục, chửi bậy, dù ở bất cứ đâu cũng thể hiện lối ứng xử chan hòa, nhường nhịn, lịch thiệp. Lời ăn, tiếng nói luôn được uốn nắn trong gia đình, bởi đó là lề lối ứng xử cơ bản nhất. Như trong gia đình tôi, chưa bao giờ thấy người lớn to tiếng, tuyệt đối không nói tục. Tôi thậm chí thấy xẩu hổ khi nghe ai đó nói bậy, coi đó như một thứ rác về ngôn ngữ. Nhưng bây giờ, người ta nói tục thành thói quen và lây lan rất nhanh. Điều tệ nhất là vấn nạn này xuất hiện ở khắp nơi, từ giới trẻ cho đến những người đã trưởng thành, từ quán nước cho đến hàng ăn, thậm chí cả nơi công sở... đều có thể nghe thấy người ta nói bậy một cách thản nhiên.
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đây thật sự là vấn nạn đáng buồn, đáng báo động, đó chính là “rác” ngôn ngữ. Tôi cho rằng, ngôn ngữ là cách thể hiện trực tiếp nhất ứng xử văn hóa của một con người. Người nói tục, chửi bậy thì không thể nào thanh lịch được. Thật buồn là trong khi rất nhiều người coi trọng và để ý lời ăn, tiếng nói thì không ít người, đặc biệt là giới trẻ, lại coi việc nói tục, chửi bậy là bình thường. Họ nói ra những ngôn từ xấu xí trong mọi môi trường, không gian sống mà không coi đó là một việc đáng xấu hổ. Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có lẽ cần phải bắt đầu từ việc điều chỉnh hành vi, ngôn ngữ của người dân.
- Cùng với việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, chúng ta còn xây dựng chính quyền phục vụ, lấy người dân làm trọng tâm. Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, theo các ông, phần việc này còn bộc lộ hạn chế gì?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những nỗ lực của Hà Nội đã và đang tạo được sự chuyển biến rõ nét xây dựng văn hóa ứng xử và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều này thể hiện rõ ở văn hóa công sở, văn hóa công vụ. Cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đoàn thể tốt hơn trước rất nhiều. Các bộ phận tiếp dân thể hiện rõ văn hóa phục vụ, đây là chuyển biến rất tích cực, văn minh; ý thức phục vụ dần thấm trong hệ thống công quyền.
Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả làm được thì đâu đó vẫn còn “bệnh” hình thức. Một số nơi, công chức vẫn mắc bệnh đủng đỉnh với kiểu tư duy “Hà Nội không vội được đâu”. Bên cạnh nhiều phong trào, mô hình về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho hiệu quả tốt, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân thì cũng có phong trào, mô hình còn nặng tính hình thức, chưa thực chất.
- Ngài Đại sứ Saadi Salama: Tôi đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Hà Nội trong việc cố gắng tạo dựng môi trường văn hóa cho người dân được hưởng thụ. Công tác tiếp dân ở nhiều cơ quan hành chính rất tốt, thể hiện sự thân thiện, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để xây dựng và phát triển văn hóa thì chỉ có sự nỗ lực của chính quyền là chưa đủ. Người dân cần phải chung tay, tham gia một cách đầy trách nhiệm với thành phố của mình. Tôi lấy ví dụ, văn hóa giao thông, văn hóa đô thị, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường... chỉ có thể đạt hiệu quả bền vững khi người dân chung tay hành động.
Chúng ta đã có các bộ luật về giao thông, trên đường phố cũng có các biển chỉ dẫn nhưng một bộ phận người dân vẫn thích vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, đi bộ sang đường không đúng vạch kẻ. Nhiều người không bỏ rác đúng nơi quy định... Những hiện tượng này liên quan tới nhận thức, cách ứng xử của người dân, trách nhiệm của từng người với nơi mình sống, chứ không thể đổ lỗi hoặc phụ thuộc vào chính quyền.
- Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, thu hút một lượng lớn người nhập cư về sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội. Điều này đã và đang gây sức ép gì cho việc xây dựng người Thủ đô, theo các ông?
- Ngài Đại sứ Saadi Salama: Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều người đến từ nhiều vùng đất khác, nên văn hóa, cách ứng xử cũng có sự pha trộn. Mặc dù số đông đang sống, học tập, làm việc vẫn giữ được nét văn hóa và ứng xử chân thành, lịch thiệp, văn minh nhưng vẫn còn những người ứng xử thiếu chuẩn mực, kém văn minh. Người dân Hà Nội và cả những người ở nơi khác đến học tập, làm việc, sống ở Hà Nội cần phải ý thức rõ về trách nhiệm góp sức chung tay làm cho Thủ đô xanh - sạch - đẹp, thân thiện, thanh bình, hấp dẫn.
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, thu hút nhân tài bốn phương. Văn hóa Hà Nội cũng là văn hóa của hội tụ tinh hoa nhiều vùng đất khác. Dù vậy, quá trình nhập cư của nhiều người ở các vùng quê khác nhau đến Hà Nội học tập, làm việc khiến văn hóa Hà Nội thường xuyên có sự va đập, trong đó có cái tốt đáng được lĩnh hội, tích lũy, nhưng cũng có cái xô bồ, hỗn tạp, đáng bị loại trừ. Chưa kể, sự hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội để phát triển đất nước nhưng cũng kéo theo những bài học về việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Giới trẻ là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Cách ăn mặc, lời nói, ứng xử của một bộ phận giới trẻ đang bị lai căng, thiếu chuẩn mực.
- Làn sóng công nghệ đang mang đến nhiều cơ hội để đẩy nhanh quá trình phát triển Hà Nội thành Thủ đô văn minh, hiện đại. Theo các ông, tiến trình này đồng thời đặt ra những thách thức gì trong việc xây dựng người Hà Nội thích ứng với nhịp mới của thời đại?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại số, mạng xã hội đang lấn lướt, tấn công vào mọi mặt đời sống. Thông tin từ mạng xã hội có tính hai mặt, có thể giúp con người dễ dàng giải trí, tiếp cận thông tin xã hội nhanh, nhưng cũng ẩn chứa thông tin xấu, sai sự thật, bóp méo sự thật, rất nguy hiểm. Điều đáng nói, không ít người đã và đang lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, nói xấu, bôi nhọ, làm tổn hại danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, gây hậu quả thậm chí nghiêm trọng.
- Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Công nghệ số mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của chúng ta. Giờ đây, rất nhiều hoạt động xã hội được thực hiện thông qua công nghệ, như hoạt động thương mại, quản trị xã hội, giao tiếp... đã và đang được số hóa ở những mức độ khác nhau. Đây là quá trình phát triển tất yếu và chúng ta cần phải thích ứng, tận dụng tốt cơ hội mà công nghệ mang lại.
Tuy vậy, bên cạnh lợi ích rất lớn, chúng ta cũng phải đối diện với rủi ro, thách thức tiềm ẩn. Sống trong thời đại số, con người có khả năng trở nên ngại giao tiếp trực tiếp. Chỉ nói riêng về mạng xã hội, nhiều người chỉ thích nói chuyện trên mạng xã hội, tương tác ảo thay vì nói chuyện trực tiếp với nhau. Không ít người dùng mọi chiêu trò, thậm chí tự làm xấu hình ảnh bản thân để đăng tin giật gân, câu view, câu like để trục lợi. Đây là thách thức rất lớn đối với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
- Trân trọng cảm ơn các ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.