Văn hóa

Phần 1: Tinh hoa hội tụ

Nhóm phóng viên 10/08/2024 20:37

Người Tràng An - Người Hà Nội - đó là danh xưng vừa tha thiết, vừa tự hào, bởi “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

cover-1.jpg
phan-1.jpg

Người Tràng An - Người Hà Nội - đó là danh xưng vừa tha thiết, vừa tự hào, bởi “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Những phẩm chất tích tụ qua hàng ngàn năm lịch sử đã bồi đắp thêm tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội, khiến ai sống nơi đây, hay đến mảnh đất này, đều đắm say và muốn “giải mã” đến tận cùng những nét riêng quyến rũ ấy. “Chân dung” người Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử như thế nào? Chúng tôi đã tìm câu trả lời qua góc nhìn của những người đã có thời gian dài sống và gắn bó sâu sắc với Thủ đô.

ong-kinh.jpg

Nhìn ở góc độ văn hóa đô thị, Hà Nội có sự vận động, chuyển biến không ngừng trong hơn 1.000 năm qua. Từ một kinh thành của đất nước ở thời kỳ phong kiến cho đến thế kỷ XIX - XX khi thực dân Pháp đô hộ, trung tâm Hà Nội chỉ vỏn vẹn ở “36 phố phường”. Sau này, diện tích Hà Nội được mở rộng, phát triển trở thành đô thị lớn, hiện đại... Bởi vậy, Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau như: Văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa Kinh Bắc...

Xã hội ngày xưa khá đơn giản, mối quan hệ giữa con người và con người được hình thành từ những giao tiếp và sự uy tín dành cho nhau. Mặc dù là đất buôn bán, tập hợp nhiều làng nghề, nhưng phẩm chất, tính cách của con người vùng cố đô ăn vào trong tâm thức khiến người Hà Nội xưa rất sợ mang tiếng, không thích làm phiền nên gần như họ làm gì cũng sẽ tận tâm và hết sức, đối đãi nhau chân thành, nhún nhường, không cực đoan và rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói... Ngày đó, không có quảng cáo thương hiệu, làm hình ảnh như bây giờ nên họ phát triển nghề, khẳng định tên tuổi thương hiệu nghề truyền thống gia đình bằng uy tín, sự chân thật. Con người vì thế rất trọng chữ tình, chữ tín, mặc dù có cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh lành mạnh, không phô trương.

Người Hà Nội ngày đó có lý tưởng rõ ràng. Khi cách mạng cần, nhiều thương nhân sẵn sàng cống hiến hết lòng, hết sức như gia đình các ông Trịnh Văn Bô, Trịnh Văn Bính...

Trải qua nhiều biến động xã hội, có lúc cuộc sống khá khó khăn nhưng người Hà Nội vẫn giữ chất riêng ngay cả trong sinh hoạt, ăn uống... Họ ăn uống thanh đạm, cái gì cũng ít, nho nhỏ... Những phẩm chất ấy tích lũy theo thời gian, trở thành nét tính cách rất riêng và dần kết thành tinh hoa của người Hà Nội.

ong-vinh.jpg

Bố tôi nguyên là Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Khi còn nhỏ, tôi chứng kiến ông tham gia cùng các đoàn quân giải phóng ra chiến trường miền Nam, cống hiến nhiều thước phim tư liệu quý, ghi lại những thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Gia đình tôi sống ở khu tập thể của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương trên phố Thụy Khuê, nơi tập trung rất nhiều gia đình nghệ sĩ. Ngày đó, mỗi nhà chỉ rộng chừng 20m2 nhưng ai cũng thân tình, yêu quý nhau. Mọi vui, buồn trong khu tập thể đều được các gia đình chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ; trẻ con vui chơi với nhau như anh em; sinh hoạt của cả khu đầm ấm như một đại gia đình. Những nét sinh hoạt nhỏ hằng ngày như hôm nay mua thực phẩm nào ngon, rẻ là cả khu cùng mua giống nhau; nhà nào có người ốm, các gia đình lập tức đến hỏi thăm, giúp đỡ… Tôi nhớ, có lần bố tôi được cử đi công tác nước ngoài, cả khu tập thể cùng ra ga tàu để tiễn. Khi bố về, cả khu lại vui mừng cùng đi đón. Người Hà Nội đã sống giản dị, chừng mực và vô cùng nghĩa tình như vậy.

Ngày đấy, Hà Nội vừa phải chống đỡ với chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa thi đua, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vật chất tuy thiếu thốn, khó khăn nhưng chúng tôi luôn sống với tinh thần lạc quan, chân tình, đoàn kết và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Đó là những tháng ngày tươi đẹp của tôi, cũng là một giai đoạn đẹp của Hà Nội.

album-1.jpg
ong-loi-1.jpg

Nhìn lại những gì Thủ đô trải qua trong thế kỷ XX, một nét nổi bật là trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bản lĩnh tiên phong, làm gương của người Hà Nội đã lan tỏa ra cả nước, tạo sức hút và động lực cho toàn dân tộc.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ ngày 9-11-1946, Hà Nội chính thức là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, tính tiên phong của người Hà Nội được thể hiện rất rõ trong giai đoạn này. Trong những năm tháng Toàn quốc kháng chiến, lòng yêu nước của người Hà Nội thể hiện rất cao với tinh thần hừng hực “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Người Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ không chỉ với vũ khí, mà còn bằng tâm hồn lãng mạn: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”...

Trong những giai đoạn sau này, khi phải chống chọi với cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ vào tháng 12-1972, tinh thần chiến đấu ngoan cường, bản lĩnh và trí tuệ của người Hà Nội tiếp tục tỏa rạng. Trong 12 ngày đêm anh dũng, kiên cường chiến đấu với cuộc không kích bằng B52 của Mỹ, quân và dân Hà Nội đã làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris năm 1973.

1-giai-phong-thu-do.jpg

Phẩm chất tiên phong, làm gương luôn là điểm sáng của người Hà Nội trong mọi thời kỳ. Những năm chúng ta xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội luôn thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước”. Nhiều phong trào thi đua yêu nước xuất phát từ Hà Nội đã trở thành điển hình để cả nước học tập như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”... Từ những phong trào đó, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc được nhân rộng, tạo thành sức mạnh giúp cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau năm 1975, đất nước đứng trước nhiều khó khăn mới trong công cuộc dựng xây đất nước. Hà Nội tiếp tục đi đầu trong công cuộc đổi mới, với nhiều mô hình phát triển kinh tế, gương điển hình tiên tiến vượt qua thách thức. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong các giai đoạn đều có dấu ấn đậm nét của người Hà Nội.

anh-bai-1.jpg
ong-nghi-1.jpg

Hà Nội luôn ẩn chứa một nghị lực, khi cần sẽ vụt tỏa sáng và lan tỏa tới cả nước. Đó là sự hội tụ, kết tinh của quá khứ, truyền thống và những phẩm chất mang tính tầm nhìn, dự báo.

Nói đến người Hà Nội, người ta sẽ nói ngay đến phẩm chất “thanh lịch” - nét tính cách gần như được chỉ riêng cho người Hà Nội. Đó là cách ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế, khiêm nhường, không khoa trương. Nhưng nói đến tính cách người Hà Nội, không thể không nói tới tính cầu toàn, làm việc gì cũng mong muốn đạt đến sự hoàn hảo. Người Hà Nội không chấp nhận sự qua loa, vội vàng, cẩu thả và cũng không dễ dàng chấp nhận sự bắt chước, bê nguyên xi kinh nghiệm của bất cứ nơi nào. Bởi người Hà Nội vốn sâu sắc, tinh tế vô cùng. Thường ngày, người Hà Nội luôn nhẹ nhàng, tĩnh lặng như mặt nước hồ Gươm; lịch lãm, duyên dáng như nét xưa phố cổ và nồng nàn như hoa sữa về khuya... Nhưng khi bước vào những thử thách cam go, người Hà Nội hiên ngang, lẫm liệt trong tư thế rồng bay, sẵn sàng "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", làm nên những chiến công bất diệt...

Người Hà Nội vốn sâu sắc, tinh tế, kiệm lời, vì thế, còn có một nét riêng đáng quý khác, đó là dù yêu thích, hoặc không vừa ý về một điều gì, họ sẽ tinh tế bày tỏ mong muốn, suy nghĩ của mình một cách ý nhị, khéo léo, mà vẫn chân thành. Người Hà Nội thận trọng khi phát ngôn bởi không bao giờ muốn làm phật lòng, tổn hại đến ai, cũng như không bao giờ muốn làm phiền người khác. Đôi khi, người Hà Nội sẽ nhún nhường, chịu phần thiệt thòi hơn để tạo hòa khí, thân thiện.

Hà Nội là nơi hội tụ đậm đặc, tiêu biểu nhất cho trí tuệ, tâm hồn, bề dày truyền thống Việt Nam và có sức lan tỏa tới các vùng miền khác. Dòng chảy lịch sử với lớp trầm tích văn hóa dày dặn, phong phú đã hình thành nên tính cách người Hà Nội với những phẩm chất thanh lịch, hào hoa, tinh tế rất riêng. Bởi thế, hiểu được người Hà Nội quả không dễ!

anh-bai-1-1.jpg
dai-su.jpg

Tôi đến Việt Nam nhiều lần vào những giai đoạn khác nhau, tổng thời gian tôi ở Việt Nam học tập, nghiên cứu và trở thành nhà ngoại giao đã được 21 năm. Đến giờ, tôi tự thấy Việt Nam có một phần rất lớn trong tôi, tôi có thể hiểu về Việt Nam như một người Việt.

Trong thời gian sống, làm việc tại Việt Nam, phần lớn tôi ở Hà Nội. Tôi chưa bao giờ có cảm giác tôi là một người nước ngoài đang sinh sống ở đây. Tôi ứng xử, làm việc, suy nghĩ và giao lưu như một người bản xứ - một người Hà Nội. Điều đó tạo cho tôi một niềm tự hào rất lớn.

Thời gian rảnh rỗi, tôi thường dạo quanh các con đường Hà Nội, cảm nhận mùi hoa sữa nồng nàn khi vào thu; thưởng thức những món ăn đậm phong vị Hà thành; xem những chương trình biểu diễn nghệ thuật, các bộ phim hay tại các sân khấu và rạp chiếu phim của Thủ đô…

Ấn tượng đầu tiên của tôi về người Hà Nội, đó là sự giản dị, chan hòa, thân thiện. Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến Hà Nội vào mùa thu năm 1980, đường phố Hà Nội rất thanh bình, yên ả. Khi ấy, người Hà Nội chủ yếu di chuyển bằng xe đạp; xe máy và ô tô rất ít. Sự bình yên của Hà Nội đã làm rung động trái tim chàng thanh niên Palestine lần đầu xa quê hương.

Mặc dù ngày đó, cả xã hội khó khăn, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc và đang phục hồi, xây dựng đất nước nhưng người Hà Nội vẫn giữ được nét ứng xử nho nhã, lịch thiệp, thân thiện, trọng tình nghĩa. Tôi đã học tập với rất nhiều người bạn Hà Nội. Họ luôn cho tôi những ấn tượng tốt đẹp về tác phong, ứng xử, cách nói chuyện tinh tế, chân thành, khiêm tốn và vô cùng ấm áp, nhân ái. Cho nên, khi đã sống và làm việc ở đây, trách nhiệm của tôi không chỉ nằm ở việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Palestine, mà còn là làm thế nào để quảng bá hình ảnh Việt Nam - một đất nước có nền văn hóa lâu đời, một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

XEM TIẾP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phần 1: Tinh hoa hội tụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.