Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải xử lý trách nhiệm!

Thế Phương| 06/08/2015 06:20

(HNM) - Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu: Lãnh đạo các bộ, ngành tập trung chỉ đạo sâu sát việc nghiên cứu, soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh được phân công, trước mắt tập trung xử lý dứt điểm số văn bản nợ đọng thuộc trách nhiệm của bộ, ngành mình trước ngày 15-9 tới.

Yêu cầu nêu trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng nợ đọng văn bản đang tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thi hành các quy định của các luật. Nợ đọng văn bản có thể xem là một "căn bệnh" kinh niên và đã đến lúc phải "điều trị" dứt điểm.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 15-7, Chính phủ và 13 bộ, ngành còn để chậm ban hành 105 văn bản quy định chi tiết đối với 27 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Riêng đối với 10 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-7, mới ban hành được 10 văn bản trong tổng số 59 văn bản phải ban hành... Như vậy, có thể nói, việc xây dựng và ban hành văn bản hiện nay rất chậm. Đáng nói hơn, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này đều... không mới: Thủ trưởng nhiều bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo, ban hành; việc phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả... Và theo một chuyên gia tư pháp, vấn đề không chỉ ở số lượng văn bản cần ban hành quá lớn, mà còn ở chỗ nhiều đạo luật thiếu định hướng rõ ràng về chính sách, thậm chí có nội dung giao quy định, nhưng chưa có cơ sở thực tiễn... Luật "chín ép" đã làm khó người hướng dẫn thi hành.

Vậy đâu là giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên?

Chính phủ đã yêu cầu: Từng bộ, ngành phải có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu, soạn thảo, trình văn bản; phân công một đơn vị đầu mối giúp thủ trưởng cơ quan theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình. Đồng thời, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản...

Như vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm tính khả thi của văn bản thì giải pháp hữu hiệu nhất chính là làm rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm. Khi người đứng đầu các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật... phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và bị xử lý nghiêm khắc (theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức...), chắc chắn tình trạng nợ đọng văn bản sẽ được đẩy lùi. Một vấn đề nữa, nếu văn bản quy phạm pháp luật nào cũng phải đợi ý kiến của các bộ, ngành liên quan mà không có thời hạn cụ thể cho việc trả lời thì việc chậm ban hành là không tránh khỏi. Đây là vấn đề cần sớm được giải quyết.

Có lẽ không cần nói thêm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến quyền và lợi ích của cá nhân, của doanh nghiệp, vấn đề ở đây là khi Chính phủ đã khẳng định quyết tâm, các bộ, ngành phải chủ động vào cuộc một cách quyết liệt, bằng những việc làm cụ thể. Hy vọng rằng với việc làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, tình trạng nợ đọng văn bản sẽ không còn, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật sẽ được nâng cao, "đủ sức" đáp ứng yêu cầu từ thực tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xử lý trách nhiệm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.