(HNMCT) - Những ngày này, đồng bào các tỉnh miền Trung đang gồng mình chống chọi với bão số 9 và khắc phục hậu quả của những trận bão, mưa lũ lịch sử trước đó đã liên tiếp tàn phá, gây thiệt hại nặng nề ở các địa phương này.
“Dư âm” bão số 6, 7, 8 chưa qua đã đến bão số 9 hoành hành, trong khi bão số 10 thì rình rập, và ở ngoài khơi cơn bão số 11 đang hình thành... Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Ai cũng nhói lòng khi xem, nghe, đọc tin tức thời tiết hay những thông tin, hình ảnh từ hiện trường. “Khúc ruột miền Trung” đang quặn đau!
Đã thành thông lệ mỗi khi xảy ra biến cố thiên tai, cả nước lại chung tay chia sẻ, giúp miền Trung khắc phục hậu quả. Hàng nghìn tỷ đồng cùng nhiều hiện vật được quyên góp để ủng hộ đồng bào vùng lũ thông qua Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể, các quỹ từ thiện, các cơ quan, đơn vị và cả nhiều cá nhân giàu tinh thần thiện nguyện. Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện những chính sách "khoan thư sức dân", cụ thể là các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn (ở vùng lũ), kịp thời có biện pháp hỗ trợ... Đó chính là truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, là phẩm chất nhân nghĩa của dân tộc, là đạo đức làm người.
Thế nhưng, những ngày này dư luận cũng đang có “bão”. Trên báo chí và các diễn đàn xã hội đã có nhiều bài viết, ý kiến nêu quan điểm, bày tỏ thái độ bức xúc, bất bình trước hiện tượng trục lợi trên nỗi đau của người dân vùng bị bão lũ. Thông tin báo chí cho biết, bão số 9 đã làm 140.000 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Ngãi bị tốc mái, trong đó nhiều nhà chỉ còn trơ bộ khung. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất” trong chính ngôi nhà của mình. Vì thế, nhu cầu về tấm lợp, nhất là tôn và ngói, là rất lớn. Tuy nhiên, trong lúc cả nước chung tay chia sẻ với miền Trung, trong lúc hàng đoàn xe cứu trợ đang nối đuôi nhau hướng về vùng lũ, chở nặng tấm lòng thảo thơm, chan chứa yêu thương của cả nước thì tại một số địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi - nơi người dân đang phải gánh chịu đau thương, mất mát rất lớn bởi thiên tai, lại có chuyện không ít tư thương găm hàng làm cho tôn, ngói trở nên “khan hiếm”, khiến những người dân muốn lợp lại nhà phải mua với giá “trên trời”, bị “chặt chém” gấp nhiều lần so với lúc bình thường.
Phải khẳng định rằng những hành động “té nước theo… bão”, trục lợi trên nỗi đau của đồng bào, không những thế còn diễn ra ngay ở nơi những tư thương đó đang sinh sống, là điều không thể chấp nhận. Dẫu chỉ là thiểu số nhưng tình trạng trên như “con sâu bỏ rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng, hoen mờ truyền thống “tương thân, tương ái”, đạo lý nhân nghĩa của người Việt. Không chỉ thể hiện lối làm ăn chụp giật, thiếu văn hóa trong kinh doanh, mà đó chính là những hành vi thất đức, thiếu tính người, rất đáng bị lên án và phải bị xử lý nghiêm.
Ở một góc độ khác, thực trạng trên cũng gợi nên suy nghĩ về phong trào từ thiện, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Rõ ràng là bên cạnh những đồ ăn, thức uống (như gạo, mỳ, thực phẩm, rau xanh, nước ngọt…) nhằm giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn sau một thời gian dài bị cô lập, người dân vùng lũ đang rất cần những vật dụng thiết yếu, nhất là vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói, tôn), thiết bị lọc nước, công cụ sản xuất, cây giống, con giống… để tái lập cuộc sống. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát thị trường, đặc biệt là phải xử lý nghiêm những đối tượng trục lợi trên nỗi đau mất mát của bà con. Ngoài ra, các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hàng hóa lớn cần có chính sách bình ổn thị trường, điều tiết giá cả phù hợp với bối cảnh địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.