Những năm qua, công tác xã hội nói chung và hoạt động từ thiện nói riêng đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Thông qua hoạt động từ thiện, các tổ chức và cá nhân đã chung tay cùng Đảng, Nhà nước giải quyết từng bước những khó khăn cho người nghèo, người yếu thế, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là cứ mỗi lần mưa bão gây hậu quả nghiêm trọng lại xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa làm công tác xã hội, làm từ thiện để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.
Mấy ngày gần đây, lợi dụng tác hại của cơn bão số 3, trên địa bàn quận Ba Đình đã xuất hiện các cá nhân đăng tin trên mạng xã hội Zalo, Facebook để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị ảnh hưởng.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra; giả mạo Hội Phụ nữ các phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Ngoài vụ việc nêu trên, mượn bão số 3 để trục lợi, nhiều đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng các bài báo viết về địa phương, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ…
Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi từ việc giả mạo hoạt động từ thiện xã hội, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội, trong đó, quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cấm lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân; cấm thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nhà nước luôn khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước đóng góp và tổ chức vận động đóng góp ủng hộ đồng bào nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai bằng tinh thần tương thân tương ái.
Tuy nhiên, nếu người nào lợi dụng hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác thì không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để ngăn chặn và tạo sự răn đe, các cơ quan, ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm người lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của những người có hoàn cảnh khó khăn thực hiện hành vi trái đạo lý, vi phạm pháp luật.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, mọi cá nhân, tổ chức làm từ thiện cần tìm đến những quỹ từ thiện, cơ sở trợ giúp xã hội đã được Nhà nước cấp phép hoạt động. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an kịp thời xử lý, tuyệt đối không để hành vi “đục nước béo cò” trên nỗi khổ của nhân dân có cơ hội tồn tại, tiếp diễn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.