EVN thiếu tầm nhìn chiến lược và không nghiêm túc thực thi chỉ đạo của Chính phủ* Không thể thiếu điện là cắt điện.Việc cắt điện luân phiên tại 24 tỉnh, thành trên miền Bắc đã bắt đầu từ trung tuần tháng năm. Hậu quả toàn bộ miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổn thất cho nền kinh tế quốc dân, tính sơ bộ theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, mất khoảng 3 triệu USD/ngày, tương đương 47,5 tỉ VND/ngày.
Việc cắt điện luân phiên tại 24 tỉnh, thành trên miền Bắc đã bắt đầu từ trung tuần tháng năm, và tại thủ đô Hà Nội, lịch cắt điện trên diện rộng trong toàn thành phố ở tất cả 12 quận huyện nội thành, ngoại thành, ở tất cả 152 phường và tuyến phố đã bắt đầu công khai từ sáng 22-5-2005.
Hậu quả toàn bộ miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổn thất cho nền kinh tế quốc dân, tính sơ bộ theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, mất khoảng 3 triệu USD/ngày, tương đương 47,5 tỉ VND/ngày.
Trước sự cố xảy ra lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, kể từ thời gian bắt đầu mở cửa đến nay (1985 - 2005) nhiều câu hỏi được đặt ra.
1. Tại sao đường dây 500kV mạch 2, đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh, đến tận ngày 22-5-2005 mới đóng điện? Tại sao không đưa đoạn đường dây 500kV này vận hành ngay từ đầu tháng 5-2005, vì ai cũng biết ở miền Bắc tháng hạn nhất và nóng nhất chính là tháng năm hằng năm?
Việc đưa đoạn đường dây này sớm vận hành từ đầu tháng 5-2005 hoàn toàn nằm trong khả năng của Tổng công ty Điện lực VN (EVN), kể cả phương án đoạn đường dây này thi công chưa hoàn chỉnh, có đoạn phải sử dụng tạm. Đến khi hồ Hòa Bình có lũ về, sẽ cắt điện và ngay sau đó hoàn chỉnh các đoạn sử dụng tạm. Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật đơn thuần, hoàn toàn không có gì khó khăn với trình độ nghiệp vụ thi công đường dây 500kV ở VN hiện nay.
2. Tại sao đến tận chiều 25-5-2005 Nhà máy nhiệt điện Na Dương, do ngành than làm chủ đầu tư và tự quản lý vận hành, mới vận hành lại tổ máy số 2 và đến chiều 31-5-2005 mới vận hành tổ máy số 1 để bán điện cho ngành điện với khả năng cung cấp 2,4 triệu kWh/ngày, trong khi nhà máy điện này đã thi công xong và vận hành thử nghiệm từ năm 2004 và đã bán cho EVN một lượng điện năng 145 triệu kWh trong thời gian qua.
Rõ ràng lãnh đạo EVN đã không quan tâm giải quyết với Tổng công ty Than VN ngay từ đầu năm 2005 về vấn đề mua bán điện này, để giảm bớt khó khăn cho hệ thống điện miền Bắc ngay từ đầu tháng 5-2005.
3. EVN chưa hề công bố từ tháng 9-2004 đến trung tuần tháng 5-2005 Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã sử dụng nước hồ Hòa Bình phát ra bao nhiêu lượng điện năng, và tỉ lệ phát điện so với những năm trước như thế nào? Số lượng điện năng do Nhà máy thủy điện Hòa Bình phát chuyển tải trên đường dây 500kV là bao nhiêu? Phải chăng ngành điện chỉ vì lợi nhuận của riêng mình đã sử dụng nước thoải mái để phát điện, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng các nguồn điện khác ở miền Trung và miền Nam.
25 năm qua, ngành điện chưa bao giờ làm đúng kế hoạch phát triển nguồn điện Từ năm 2002, ngành điện đã biết nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra vào các năm 2004, 2005, 2006. Do đó, đầu năm 2002 ngành điện đã hiệu chỉnh lại tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2001 – 2010 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6 – 2001) để đảm bảo năm 2005 cung cấp đủ nhu cầu tiêu thụ 53 tỉ kWh điện (nhu cầu trước hiệu chỉnh là 46 tỉ kWh). Thực tế cho thấy năm 2004, sản lượng điện đã đạt con số 46 tỉ kWh. Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực VN (EVN) và Bộ Công nghiệp đã đề nghị Chính phủ cho làm gấp đường dây 500kV mạch 2 từ Pleiku ra Hà Nội để tăng cường cung cấp điện từ miền Nam ra miền Bắc. Nhưng như thế vẫn thiếu điện vì hồ Hòa Bình đã cạn kiệt quá mức so với dự báo. Điều đáng nói, theo tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 2001 – 2010 đã được phê duyệt, lẽ ra đến nay các nhà máy nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn), Cao Ngạn (Thái Nguyên) và Uông Bí mở rộng (Quảng Ninh) đã phải đi vào hoạt động nhưng cả ba nhà máy này đều chưa hoạt động như tổng sơ đồ. Nếu có ba nhà máy này thì mỗi ngày có thêm được hơn 10 triệu kWh điện. Nên nhớ, tổng sơ đồ đó là chương trình, kế hoạch phát triển nguồn điện, phát triển đường dây tải điện để cung cấp điện cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân. Đấy là chiến lược phát triển của ngành điện, không phải chỉ một mình ngành điện thông qua mà còn có sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, của Bộ Khoa học – công nghệ, Bộ Tài nguyên – môi trường và một số cơ quan liên quan. Nếu làm đúng theo chiến lược này, cụ thể hóa bằng kế hoạch thì không thể nào xảy ra chuyện thiếu điện như vừa qua. Nhưng vì không thực hiện đúng tiến độ nên đã xảy ra thiếu điện. Thực tế, từ năm 1980 đến nay đã có năm tổng sơ đồ phát triển điện lực và chưa lần nào ngành điện thực hiện đúng tiến độ đặt ra. Sẽ không thiếu điện nếu ngành điện làm quyết liệt để đưa các nhà máy điện đã hoạch định trong tổng sơ đồ phát triển điện lực, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc vào hoạt động. TS NGUYỄN MẠNH HIẾN (Nguyên viện trưởng Viện Năng lượng) |
Nếu đã quan tâm vấn đề khô hạn có thể xảy ra trong năm 2005, thì kế hoạch phát điện của EVN phải đảm bảo, thì làm gì có cảnh cắt điện luân phiên kéo dài tại tất cả các tỉnh thành trên miền Bắc như hiện nay?
Thiếu tầm nhìn chiến lược
Từ năm 1999, Chính phủ đã yêu cầu ngành điện gấp rút nghiên cứu qui hoạch phát triển điện lực VN giai đoạn sau 2000 - 2010 và 2020. Năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Qui hoạch phát triển điện lực VN giai đoạn 2010 có xét triển vọng đến năm 2020”. Trong quyết định này, Chính phủ đã cho phép ngành điện tập trung xây dựng (2000 - 2005) các nguồn điện ở miền Trung và miền Nam, trong đó có các nhà máy thủy điện Cần Đơn (72MW), Rào Quán (70MW), Đại Ninh (300MW), Hàm Thuận ( 475MW), Yaly (720MW) và tổ hợp các nhà máy nhiệt điện chạy tuôcbin khí tại Phú Mỹ.
Hầu như tất cả nhà máy điện trên đều đã hoàn thành xây dựng theo đúng kế hoạch, đang đóng góp cho việc cung cấp điện tại miền Trung, miền Nam và từ cuối tháng 5-2005 còn đóng góp việc cung cấp điện cho miền Bắc qua các đường dây 500kV.
Còn tại miền Bắc thì sao?
Theo quyết định của Chính phủ trên đây, trong giai đoạn 2001-2005, số lượng nhà máy điện xây dựng mới ở miền Bắc rất ít. Mặc dù rất ít so với miền Nam nhưng đã không được EVN chú ý đúng mức, vì vậy việc xây dựng và hoàn thành không đảm bảo kế hoạch theo đúng quyết định của Chính phủ.
Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, do EVN trực tiếp đầu tư và quản lý với công suất 300MW, theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2004, đến nay vẫn chưa hoàn thành và khả năng có thể kéo dài đến tận năm 2006 mới xong. Còn các nguồn điện Na Dương (100MW), Cao Ngạn (100MW) theo kế hoạch hoàn thành năm 2004, nhưng Tổng công ty Than VN mới hoàn thành Na Dương, còn Cao Ngạn đến quí 3-2005 mới hoàn thành. Riêng nhiệt điện Cẩm Phả chạy than (300MW) theo kế hoạch hoàn thành 2004-2005, đến nay vẫn chưa xây dựng!
Trách nhiệm EVN trong việc chậm hoàn thành các nhà máy này đến đâu, không thấy ngành điện có báo cáo, kiểm điểm!
Đặc biệt, trong việc đa dạng hóa các nguồn điện và tận dụng tiềm năng các nguồn năng lượng sạch ở VN, trong quyết định trên đây của Chính phủ cũng đã ghi rõ: “Về phát triển nguồn điện cần khai thác tối đa các nguồn năng lượng sạch có hiệu quả kinh tế cao như: điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt...”. EVN đã không thực thi nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã giao trong quyết định trên đây.
Cho đến nay chưa hề có một nhà máy điện sử dụng năng lượng sạch (địa nhiệt, gió...) có qui mô công nghiệp được xây dựng, mặc dù các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đã tiếp xúc và làm việc với EVN.
Về nhà máy điện địa nhiệt, Tập đoàn Ormat, một tập đoàn lớn của Hoa Kỳ chuyên xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt ở khắp mọi nơi trên thế giới, đã đến VN xin giấy phép đầu tư năm nhà máy điện địa nhiệt tại miền Trung bao gồm: Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức (Quảng Ngãi), Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định), Tu Bông (Khánh Hòa). Tổng công suất các nhà máy điện địa nhiệt này dự kiến từ 150 - 200MW.
Các nhà máy điện địa nhiệt này đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng vì nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận bỏ vốn 100%, nhưng không thể chấp nhận giá mua điện của EVN quá thấp, chỉ giới hạn đến 4 cent US/kWh.
Cũng tương tự như vậy, các dự án về các nhà máy phát điện gió ở Tu Bông (Khánh Hòa) 20MW của nhà đầu tư CHLB Đức Ventis, ở bán đảo Phương Mai gần Qui Nhơn (Bình Định) gồm ba tổ hợp nhà máy phát điện gió cũng chưa được khởi công vì giá mua điện của EVN quá thấp (4 cent US/kWh). Cũng nên lưu ý giá mua điện của EVN với Tổng công ty Than VN về hai nhà máy nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn cũng chỉ có 610 đồng/kWh (tương đương 4 cent US/kWh). Trong khi đó, cuối tháng 5-2005 vừa qua, khi xảy ra sự cố thiếu điện ở miền Bắc, EVN đã phải ký hợp đồng mua điện của Nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước với giá 9,6 cent US/kWh!
Rõ ràng mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, EVN vẫn không có tầm nhìn chiến lược và có những quan điểm đúng mức về việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng năng lượng sạch ở VN.
Từ năm 2003, EVN cũng đã thương thảo với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xây dựng đường dây 110kV Đông Hưng - Móng Cái, để mua điện của Trung Quốc cho thị trấn cửa khẩu Móng Cái và các tỉnh thuộc vùng đông bắc VN. Nhưng sau đó, mặc dù đã có đề án thiết kế, EVN lại không cho xây dựng tiếp đường dây điện nối từ Móng Cái về Tiên Yên, để cung cấp điện cho tỉnh Quảng Ninh và các vùng phụ cận. Cho đến nay EVN vẫn chưa giải thích vì sao chưa xây dựng đường dây này, vì thực tế vốn đầu tư xây dựng đường dây này không đáng bao nhiêu so với vốn đang có của ngành điện, và thời gian xây dựng đường dây tương đối ngắn - trong vòng sáu tháng.
Tự do hóa thị trường điện
Từ những vấn đề trên, chúng tôi cho rằng để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện VN, tránh được những sự cố không bao giờ cho phép xảy ra, ngành điện phải đi đầu trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư, cần nhiệt tình tiếp đón tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chỉ cần có dự án để làm việc mà không cần có phong bì lót tay. Trước sau, thị trường điện VN phải là thị trường tự do. Ngành điện không thể độc quyền và cũng không thể kéo dài thời gian độc quyền đến 30 năm nữa, như Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã phát biểu.
Về nguyên tắc, ngành điện chỉ cần quản lý lưới truyền tải và phân phối, còn các nhà máy điện là hoàn toàn tự do, kể cả các nhà máy điện của EVN. Các chủ nhà máy điện chỉ cần trả chi phí truyền tải cho ngành điện về tổng sản lượng điện năng mà mình bán ra, còn khách hàng của mình là hoàn toàn tự do, có thể trong và ngoài ngành điện và ở bất kỳ địa phương nào.
Rõ ràng điện năng cũng chỉ là một loại thương phẩm. VN đã tham gia AFTA, sắp tới là WTO. Do đó, việc xuất - nhập điện năng cũng chỉ là chuyện bình thường. Khác chăng, điện năng là một loại thương phẩm đặc biệt.
Không thể có tư duy giật lùi của 20 năm trước: thiếu điện là cắt điện.
Phải rõ ràng nhận thức và quan điểm ở một đất nước sẽ hiện đại hóa và công nghiệp hóa (có thể tham gia WTO vào cuối năm 2005) thì điện năng phải luôn luôn đảm bảo 24/24 giờ. Mất điện chỉ có thể xảy ra với thời gian tính bằng giây, bằng phút, không thể kéo dài hàng giờ, thậm chí vài ngày. Đó là con đường tất yếu không thể nào khác.
Theo TTO
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.