Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân!

Thành Minh| 20/03/2015 05:50

(HNM) - Hơn 100 hộ dân (khoảng 500 nhân khẩu) ở nhà B6 Giảng Võ ( phố Nam Cao, phường GiảngVõ, Hà Nội) mà đại diện là ông Nguyễn Văn Kính (Trưởng ban đại diện nhân dân nhà B6) và ông Vũ Kim Cầu (Bí thư Chi bộ nhà B6) vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu.

Tóm tắt nội dung đơn như sau: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và TP Hà Nội, thi hành lệnh di dời của UBND TP Hà Nội, từ ngày 30-4-2009, toàn bộ người dân nhà B6 đã phải rời khỏi nhà của mình để Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng (chủ đầu tư) phá dỡ, xây dựng lại nhà cao tầng; Từ đó đến nay là 6 năm, người dân nhà B6 (hầu hết là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, có nhiều cụ là cán bộ lão thành cách mạng, không ít người vì bệnh tật, già yếu nên đã mất), đã phải đi ở thuê, sống tạm bợ, chờ đợi mòn mỏi để được ở nhà mới của chính mình; Vậy nhưng, sau 6 năm người dân chờ đợi đằng đẵng, nơi đó vẫn chỉ là bãi đất trống được quây rào… Đơn kêu cứu cũng đề nghị: Người dân không cần quan tâm việc tranh chấp công nợ giữa Tổng công ty 36 và Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ (Công ty Mefrimex) như thế nào, mà chỉ biết là Công ty 36 đã trực tiếp ký thỏa thuận bố trí tái định cư với nhân dân nhà B6 Giảng Võ trước công chứng - một văn bản có tính pháp lý duy nhất đến nay vẫn còn hiệu lực. Do vậy, Tổng công ty 36 phải có trách nhiệm tiến hành xây dựng ngay chung cư B6 để sớm trả nhà cho nhân dân ổn định đời sống vì dự án đã kéo dài khá lâu so với thời hạn cam kết với dân… Điều đáng nói là người dân còn nhiệt tình kiến nghị Ngân hàng SHB - đơn vị nhận sáp nhập từ Ngân hàng Habubank - phải có trách nhiệm kế thừa quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Habubank từ hợp đồng tín dụng ký kết để tiếp tục cấp vốn cho Tổng công ty 36 xây dựng nhà B6!

Tại sao người dân B6 Giảng Võ lại phải kêu cứu như vậy? Bản chất của sự việc gây ra tình cảnh khó khăn của hơn 100 hộ dân này là gì? Cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm với người dân B6?

Dự án xây dựng mới nhà B6 Giảng Võ đã được khởi động từ năm 2004 bởi Công ty cổ phần ICT nhưng chủ đầu tư này có những lắt léo nào đó nên người dân không tin tưởng. Do đó, năm 2008 hơn 100 hộ dân đã tự tìm chủ đầu tư cho dự án là Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng với sự tin tưởng cao và được UBND TP Hà Nội chấp thuận. Với sự "tin tưởng cao" đó, tháng 4-2009, 100% hộ dân đã di dời, bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty 36 triển khai xây dựng theo thỏa thuận. Sau khi được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư, Tổng Công ty 36 đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Mefrimex (hai bên cũng đã ký một số hợp đồng kinh tế khác nữa) với nội dung cơ bản: Tổng Công ty 36 chịu trách nhiệm thi công toàn bộ công trình, Công ty Mefrimex có nhiệm vụ thu xếp nguồn vốn cho dự án. Sau khi làm chủ đầu tư dự án được hơn 4 năm, đầu năm 2013 Tổng Công ty 36 thoái vốn nên ký hợp đồng chuyển nhượng dự án này cho Công ty Mefrimex. Quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế hai bên đã phát sinh vướng mắc về công nợ (tranh chấp về khấu trừ công nợ các hợp đồng). Cụ thể: Công ty Mefrimex chưa trả tiền chuyển nhượng vì lý do Tổng Công ty 36 chưa khấu trừ các khoản nợ mà mình đã đầu tư vào dự án, cũng như Tổng Công ty 36 thi công không đúng chất lượng, tiến độ gây thiệt hại cho Mefrimex; Còn phía Tổng Công ty 36 thì cho rằng chưa bàn giao dự án trên thực địa vì Mefrimex chưa trả tiền, đồng thời tố cáo Mefrimex chiếm dụng vốn, làm chậm cổ phần hóa công ty. (Theo các chuyên gia pháp lý, trước khi cổ phần hóa mà từ bỏ các dự án sẽ làm cho việc định giá thấp đi và như vậy, sẽ có một nhóm người trong công ty đó hưởng lợi lớn. Nhưng đó lại là vấn đề cổ phần hóa ở Tổng Công ty 36 mà trách nhiệm làm rõ là các cơ quan chức năng có thẩm quyền). Tiếp đó, sau một năm ký hợp đồng chuyển giao dự án, nhằm tránh hiểu nhầm là chiếm dụng tài sản của đối tác và cũng do đúng vào thời điểm khó khăn về tài chính nên Công ty Mefrimex đã làm văn bản trả lại dự án để Tổng Công ty 36 tìm đối tác khác.

Như vậy, về pháp lý đến nay chủ đầu tư của dự án này vẫn là Tổng Công ty 36! Do hai bên không tự giải quyết được tranh chấp tài chính nên đã khởi kiện ra tòa, TAND huyện Đông Anh giải quyết theo quy định về tranh chấp dân sự. Dự án xây dựng mới nhà B6 từ khi khởi động lần đầu (năm 2004) đến nay đã 11 năm mà người dân vẫn không có chỗ ở, mà vụ kiện lần này có thể sẽ kéo dài và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống hàng trăm người dân B6 Giảng Võ, thì người dân phải tiếp tục leo lắt đi ở thuê còn ngôi nhà của mình vẫn là một màn sương mờ mịt.

Doanh nghiệp, về bản chất là tìm kiếm lợi nhuận qua hoạt động kinh doanh. Nhưng lợi nhuận đó là hợp pháp khi doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, của Nhà nước cũng như của đối tác. Vì lợi nhuận mà xâm hại đến quyền và lợi ích của dân, của Nhà nước là không được phép. Dù bao nhiêu lời hứa có cánh gì chăng nữa mà không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của dân thì cũng bằng không. Vì vậy, hỡi các vị chủ doanh nghiệp, dù là tranh chấp công nợ, khó khăn về tài chính hay khó khăn về thủ tục nhưng đã là chủ đầu tư hợp pháp thì không được phép đẩy người dân vào chỗ khổ cực, nhất là các vị đã trực tiếp ký thỏa thuận với người dân trước cơ quan công chứng. Một khi đã đặt bút ký thỏa thuận với người dân mà chối bỏ trách nhiệm, đẩy người dân vào chỗ mất nhà cửa, chịu khổ cực, thì rõ ràng không thể chấp nhận được.

Ở nước ta, quyền lợi hợp pháp của người dân là vấn đề được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp quan tâm đặc biệt. Vì vậy đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của thành phố rốt ráo vào cuộc giải quyết dứt điểm các phát sinh giữa các bên theo quy định của pháp luật, đặc biệt phải yêu cầu chủ đầu tư tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tiến hành xây dựng ngay nhà B6 Giảng Võ cho dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.