(HNM) - Chỉ thị số 30-CT/TƯ ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ đã khẳng định khâu quan trọng và cấp bách là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.
Gần 20 năm qua, quá trình thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã và đang mang lại kết quả về nhiều mặt, khuyến khích người dân tham gia thảo luận, góp ý kiến cho những quyết sách lớn cũng như quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch xây dựng và phát triển ở địa phương... Đặc biệt, cơ chế phát huy dân chủ cơ sở được thực hiện thông qua luật pháp thực sự là một trong những động lực quan trọng của đổi mới và phát triển xã hội.
Bác Hồ từng chỉ rõ vấn đề "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở chính là để thông tin cho dân biết, lắng nghe ý kiến người dân, giải quyết những điểm nóng ngay tại cơ sở. Vì thế mà cần có những quy chế cụ thể về những điều dân phải được biết, những điều gì dân được bàn, ai có trách nhiệm xử lý... Nói cách khác là phải lấy dân làm gốc, đặt quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì bàn về dân chủ không còn là những điều lý luận chung chung, mà phải là những quy định cụ thể, việc làm cụ thể.
Vậy nhưng, qua nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây cho thấy, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đâu đó còn chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên. Một số vấn đề bức xúc của người dân vẫn chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời. Việc triển khai một số dự án lớn chưa được công khai đầy đủ, chưa được người dân đồng thuận, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài...
Đặc biệt, một số cơ sở chưa phát huy vai trò tham mưu phát huy dân chủ cho cấp ủy, chính quyền; nội dung còn sơ sài, mang tính hình thức. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được quy chế dân chủ, quy chế hội nghị người lao động, quy chế đối thoại, vi phạm pháp luật bảo hiểm và những chế độ liên quan đến quyền lợi của người lao động… gắn với cải cách hành chính và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Nhiều nơi thủ tục hành chính còn rườm rà, bệnh giấy tờ chưa giảm, gây phiền hà cho dân, trong khi đó một số công chức cơ sở còn nhũng nhiễu dân.
Lấy ví dụ vụ việc vừa xảy ra tại phường Văn Miếu (quận Đống Đa) - cán bộ phường đã không tạo điều kiện khi cấp giấy chứng tử cho người dân gây bức xúc dư luận. Hay như sự việc xác nhận lý lịch không đúng quy định xảy ra ở xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) cho thấy, một số cán bộ còn chưa tôn trọng nhân dân, chưa đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu.
Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải xử lý. Chúng ta không thiếu văn bản, Quy chế Dân chủ ở cơ sở cũng đã được ban hành. Có thể nói, tăng cường dân chủ ở cơ sở quan trọng nhất là phải bắt đầu từ bộ máy hành chính. Nhưng khi mà chính những "công bộc" còn chưa coi trọng dân thì làm sao có thể dân chủ được. Không thể nói đối thoại, thực hiện dân chủ cơ sở mà cơ chế, chính sách hay thực thi chính sách lại không vì người dân.
Xét cho cùng thì dân chủ là cái gốc, là thước đo đầu tiên thể hiện quyền tự do của người dân. Chính quyền là của dân, do dân, vì dân; chỗ nào không vì dân thì hẳn sẽ khó có dân chủ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.