Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thay đổi tư duy làm nghề

An Nhi| 20/08/2015 06:49

(HNM) - Chiều 19-8, hội thảo với chủ đề


Thiếu "bột", khó gột nên "hồ"

Theo nhận định của PGS.TS Trần Trí Trắc, đề tài hiện đại của sân khấu Thủ đô trong mấy chục năm qua là dòng sáng tạo chủ lưu của nghệ sĩ, ít nhiều để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Những năm gần đây, đề tài hiện đại được thể hiện trên sân khấu Thủ đô thường là tệ nạn "nóng" trong xã hội như tham nhũng, hối hộ, chiếm đoạt tài sản, chạy chức chạy quyền… với những mâu thuẫn đan xen, phức tạp trong gia đình, công sở, cơ quan… Về đề tài này, có thể kể tới tác phẩm "Lâu đài cát", "Sống tử tế", "Đường đua trong bóng tối", "Tai biến", "Điệp khúc virus", "Nắng quái chiều hôm", "Dư chấn", "Những mặt người thấp thoáng"… Nhưng đó chỉ là một vài "điểm nhấn nhá" cho một thời kỳ sôi động và nhiều đổi mới mà đáng ra phải là tiền đề vô cùng thuận lợi cho người sáng tạo nghệ thuật. Bởi, như nhận định của nhà báo Cao Minh, "Thủ đô đã là nơi hội tụ của bốn phương, của nhiều nhân tài. Thủ đô là đại diện, là tiêu biểu cho dân tộc, tập trung cao nhất, dày đặc nhất tinh hoa, trí tuệ và cả những mặt hạn chế, thậm chí xấu xa của xã hội. Đó chính là nơi xuất hiện những mâu thuẫn, những xung đột, những tuyến những lớp nhân vật phục vụ cho sân khấu đề tài hiện đại".

Thực tế là sân khấu Thủ đô và cả nước thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao về đề tài hiện đại. Đỉnh cao là gì? Là như "Hamlet" "Otenlo", "Vua Lear", "Cái chết của người chào hàng" - những tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới. Là "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Mùa hè ở biển", "Tôi và chúng ta" của sân khấu Việt Nam mà ngay khi ra đời đã gây chấn động dư luận. Những tác phẩm ấy, bản thân chúng phản ánh câu chuyện đương thời nhưng lại có tính dự báo cho tương lai, đi trước thời đại. Nhưng nay, như Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã phải thốt lên: "Sân khấu hiện tại với trang bị hiện đại hơn, với nguồn thông tin đa chiều hơn, lại chỉ chạy theo các sự kiện, minh họa, diễn lại thời cuộc".

Giới sáng tạo sân khấu thừa nhận rằng, trong mọi trường hợp, yếu tố tiên quyết để có một vở diễn tốt là phải có kịch bản hay, tức là "có bột mới gột nên hồ". Thiếu kịch bản hay, dù đạo diễn giỏi "phù phép" đến mấy, diễn viên hay bao nhiêu cũng khó làm nên vở diễn gây chấn động. Thực trạng mà nhiều nhà hát, không chỉ riêng ở Hà Nội mà của cả nước đang phải đối diện là "kịch bản hàng chồng nhưng không tìm được kịch bản hay".

Thay đổi tư duy làm sân khấu

Tác giả Lệ Dung nhấn mạnh: "Con người nghệ sĩ, tác giả kịch bản phải là những người thực sự tài năng mới có thể phát hiện, dự báo và hun đúc nên tác phẩm xứng tầm thời đại". Sự thể như thế nào? Nhà báo Cao Minh thẳng thắn: "Sân khấu Thủ đô thiếu kịch bản sân khấu chất lượng, chưa có sự cách tân trong tiếp cận vấn đề, cách viết… là bởi người viết hiện nay chưa trang bị kiến thức chuyên môn phù hợp mà đã viết, chưa chịu dấn thân vào hiện thực. Cái sự lăn lộn với thực tế cơ sở, trở thành người trực tiếp lao động, cống hiến trong ngành nghề định phản ánh xem ra là xa xỉ. Thế nên tác phẩm chỉ nói chung chung, tiếp cận vấn đề khô cứng, không hấp dẫn được khán giả".

Để có được tác phẩm tầm cỡ, ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình là cần phải thay đổi tư duy làm sân khấu ở tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ… Giải pháp chung là tìm kiếm tài năng, đầu tư, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho họ phát sáng. Thứ hai, mỗi nhà hát phải tạo dựng riêng cho mình một đội ngũ sáng tạo phù hợp với quan điểm, hướng đi của nhà hát. Thứ ba, kiên quyết "nói không" với quan điểm dựng vở cho đủ chỉ tiêu.

Giới làm nghề cần thay đổi tư duy và chính những người quản lý sân khấu cũng cần thay đổi tư duy điều hành sân khấu để tạo động lực sáng tạo đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi tư duy làm nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.