Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thay đổi để phát triển

Mai Lâm| 04/07/2016 06:10

(HNM) - Ngày 20-11-2012, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Dễ thấy, Luật HTX năm 2012 có những thay đổi với quy định giống như Luật Doanh nghiệp dành cho mô hình kinh tế tập thể vốn có nhiều đóng góp tích cực cho một giai đoạn phát triển đất nước. HTX có hội đồng quản trị, giám đốc… thay vì ban quản trị, chủ nhiệm HTX. Với những thay đổi như vậy, tư cách pháp nhân của HTX đã thay đổi rõ rệt và điều đó được kỳ vọng tạo thuận lợi cho các HTX “bứt phá”, tăng sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả.

Theo quy định, HTX, liên hiệp HTX thành lập trước ngày luật có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi luật có hiệu lực thi hành. Thời hạn chót đã qua, nhưng đến nay vẫn còn 61% HTX chưa hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động theo luật. Đáng nói là số HTX hoạt động hiệu quả chỉ khoảng 20%. Vậy tại sao không chuyển đổi mô hình để HTX hoạt động hiệu quả hơn?

Nguyên nhân chính, đương nhiên, vẫn từ nội tại, các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp hiện nay vẫn lúng túng trong phương thức hoạt động, thậm chí là trì trệ. Cách thức vận hành hoạt động của HTX còn lạc hậu, thậm chí HTX ở nhiều nơi được xem như một bộ phận của chính quyền địa phương hoặc HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không trụ sở, không vốn. Điều đó khiến các HTX thiếu chủ động, sáng tạo, đánh mất vai trò. Chưa kể trình độ, năng lực của không ít cán bộ, lãnh đạo HTX còn hạn chế, ngại va chạm, ngại thay đổi, ít cập nhật kiến thức, làm việc theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Đây là những rào cản lớn và cũng chính là lý do khiến các HTX ngại vận hành theo luật mới với cơ chế mở hơn, nhưng đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm cao hơn.

Trong khi nhân lực, tiềm lực của HTX có hạn, quen với cách thức tổ chức, hoạt động bao cấp thì việc trợ giúp của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa thật sự tích cực. Việc thiếu các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là về đánh giá tài sản, xử lý nợ… chưa kịp thời cũng làm HTX lúng túng trong quá trình chuyển đổi. Thực tế cho thấy, sự "chỉ đường, dẫn lối" của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng, đặc biệt trong tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách, tiếp sức cho HTX phát triển và do vậy phải được làm tốt hơn trong thời gian tới.

Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận không cao nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Mối liên kết “4 nhà” trước nay vẫn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Trong bối cảnh đó, củng cố, phát triển HTX là hết sức cần thiết. Và để phát triển, không thể không có những thay đổi để thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới, nông nghiệp, nông thôn, nông dân không thể đứng ngoài “guồng quay” hội nhập. Việc trực tiếp tham gia góp vốn, điều hành HTX sẽ giúp mỗi thành viên có trách nhiệm hơn với bản thân, với HTX, để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường ngày càng mở rộng, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Với những hạn chế cố hữu, HTX rất cần sự “dẫn đường”, tiếp sức của các cơ quan quản lý nhà nước để nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận thức, vận hành, hoạt động theo phương thức mới, phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã đem lại nhiều thay đổi với kết quả tích cực. Các HTX không thể không thay đổi, vận động, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.