(HNM) - Hiện nay, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) làm ảnh hưởng tới chế độ, quyền lợi của người lao động và gây khó khăn trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Người dân làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” của Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên |
- Xin ông cho biết tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay và những nguyên nhân chủ yếu?
Hà Nội là địa phương có số đơn vị, doanh nghiệp (DN), lao động (LĐ) tham gia và thụ hưởng BHXH rất lớn. Tính đến hết tháng 11-2016, toàn thành phố thu được 25.130 tỷ đồng, đạt 87,5% kế hoạch. Tuy nhiên, tổng số tiền nợ hiện nay là 2.297,8 tỷ đồng, chiếm 8% số thu, trong đó có 8.573 DN nợ BHXH từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền 1.530 tỷ đồng.
Nguyên nhân khách quan là do khó khăn của DN, nhất là DN trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, bất động sản, cơ khí, dệt may... Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận DN và người LĐ về chính sách pháp luật BHXH còn hạn chế... Hơn nữa, việc ký kết hợp đồng LĐ của các DN chưa được thực hiện đầy đủ; tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng LĐ thấp hơn so với tiền lương, tiền công thực tế, chủ yếu theo mức lương tối thiểu vùng, từ đó vô hình trung tạo kẽ hở cho chủ DN thu lợi nhuận từ vi phạm pháp luật về BHXH. Việc một bộ phận đơn vị sử dụng LĐ để xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH là hành vi vi phạm pháp luật có chủ ý và đã gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn Thủ đô.
- Theo ông, chế tài xử lý các DN nợ BHXH hiện nay đã hợp lý chưa? Ông có đề xuất gì thêm để giải quyết vấn đề này?
Hiện nay, pháp luật có quy định khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH. Tuy nhiên, các chế tài xử lý vẫn chưa thực sự đủ mạnh, chưa sát với thực tế áp dụng. Cụ thể như, theo quy định hiện hành các hành vi vi phạm đóng BHXH có thể bị xử phạt hành chính nhưng mức xử phạt tối đa là 75 triệu đồng/cá nhân và 150 triệu đồng/tổ chức.
Vì vậy, các DN sẵn sàng chịu phạt và trả lãi suất nợ BHXH bởi mức lãi này thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng và không phải làm thủ tục vay. Hoặc đối với quy định ngân hàng có thẩm quyền trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng LĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi suất của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH cũng ít khả thi. Bởi vì những DN nợ kéo dài thì số dư trong tài khoản của chủ DN thường không đủ để đóng BHXH. Để tiến hành xử lý một DN trốn đóng BHXH cần nhiều thủ tục, quy trình phức tạp, trong khi DN thiếu sự hợp tác nên nếu mức phạt không đủ răn đe, vi phạm vẫn tái diễn. Chúng tôi cũng rất mong Bộ luật Hình sự sửa đổi có quy định các tội danh về lĩnh vực BHXH, BHYT sớm có hiệu lực thi hành để tăng tính răn đe.
Theo Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016, cơ quan BHXH có thêm chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT, bởi vậy BHXH thành phố đã chủ động kiểm tra và đôn đốc thu nợ tại các đơn vị, DN. Chúng tôi xác định chỉ có thực hiện tốt quy định của pháp luật về thanh tra và xử phạt hành chính mới có cơ sở cho việc khởi kiện DN hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, truy tố.
- Để giảm nợ đóng của DN, BHXH thành phố đã có những biện pháp nào, thưa ông?
Có thể nói, hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH của một bộ phận DN chính là chiếm dụng tiền đóng của người LĐ, chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT và làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cho người LĐ. Vì vậy, BHXH Hà Nội luôn xác định công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, là bảo đảm ASXH trên địa bàn Thủ đô.
Trước hết chúng tôi tiếp tục công tác tuyên truyền, đối thoại, đặc biệt tập trung vào chủ DN, người LĐ, cán bộ công đoàn trực tiếp tại cơ sở để họ hiểu thêm về BHXH, BHYT; gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ DN, người LĐ trong việc đóng và hưởng BHXH, BHYT. Hai là các bộ phận và từng cán bộ, viên chức trong ngành thường xuyên theo dõi, nắm sát các đơn vị sử dụng LĐ để thu và đôn đốc thu nợ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành những đơn vị có vi phạm. Đến hết tháng 11-2016, đã thực hiện 1.132 cuộc kiểm tra, hơn 20 cuộc thanh tra chuyên ngành, 70 cuộc thanh tra liên ngành và bàn giao 103 hồ sơ sang Liên đoàn Lao động để tổ chức khởi kiện. Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành như: LĐ-TB&XH, Thuế, Y tế, Liên đoàn Lao động, Thanh tra, MTTQ thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, tập trung vào công tác theo dõi, quản lý thu, thu hồi nợ đọng...
Chúng tôi tin tưởng với sự đồng lòng, hợp sức của cả hệ thống, BHXH thành phố quyết tâm phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người LĐ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2016 và những năm tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.