Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải phát huy được giá trị của di sản

Tuấn Lương| 25/10/2013 05:41

(HNM) - Thực tiễn triển khai chợ đêm và tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân 8 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập.


Phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào.


Sẽ trở thành điểm nhấn du lịch - thương mại?

Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân (đơn vị được quận Hoàn Kiếm giao nghiên cứu đề án) cho biết, khu bảo tồn cấp I thuộc địa bàn 4 phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đồng Xuân. Việc mở rộng không gian đi bộ sẽ là một điểm nhấn trong hoạt động thương mại - du lịch của Thủ đô Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng. Đề án dự kiến mở rộng không gian đi bộ trên các tuyến phố gồm: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Các tuyến phố này sẽ kết nối với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân hiện nay tạo thành một quần thể không gian đi bộ. Khu vực dự kiến mở rộng vốn có truyền thống lâu đời về ẩm thực, lại gắn với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, như đền Bạch Mã, nhà cổ 87 - Mã Mây, đền Hương Tượng… Thời gian hoạt động của các tuyến phố đi bộ vào tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, từ 18-19h đến 24h. Mặt hàng kinh doanh trong khu vực không gian đi bộ sẽ tập trung vào các sản phẩm, ẩm thực tiêu biểu truyền thống đại diện cho Hà Nội và các vùng miền trong cả nước. Để bảo đảm an toàn cháy nổ, các gian hàng ẩm thực phải tuân thủ quy định không sử dụng lửa để đun nấu thức ăn trên hè và dưới lòng đường. Dự kiến sẽ sắp xếp 76 hộ, trong đó có 46 hộ đang kinh doanh trên vỉa hè; sắp xếp dưới lòng đường 32 hộ, trong đó có 26 hộ mới và chuyển từ trên hè xuống 6 hộ. Mức giá cho thuê gian hàng dự kiến 100.000 đồng/m2/tháng. Ngoài ra, hộ kinh doanh phải thanh toán chi phí mua gian hàng ban đầu là 18 triệu đồng/3 gian hàng loại 2mx2m, hằng tháng phải trả thêm gần 1,5 triệu đồng (cho một gian hàng diện tích 12m2) các loại phí dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, lắp dựng, tháo dỡ và bảo quản gian hàng…

Ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, quận đã họp với các hộ dân trong phạm vi đề án mở rộng không gian đi bộ và được các hộ dân đồng tình với chủ trương. Ngoài ra, quận và Công ty CP Đồng Xuân đã chuẩn bị các phương án về bảo đảm giao thông, chỗ đỗ xe, phòng cháy chữa cháy, y tế… Quận đề nghị UBND TP chấp thuận để triển khai đề án vào cuối năm nay.

Quá nhiều bất cập

Khẳng định ủng hộ chủ trương mở rộng không gian đi bộ, song đại diện các sở, ngành của Hà Nội khi tham góp vào đề án đều tỏ sự lo ngại về tính khả thi của đề án này. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT cho rằng, việc mở rộng sẽ "đụng" đến toàn bộ nhân dân khu phố cổ nên cần được tính toán kỹ và cần có điều tra xã hội học để người dân góp ý vào đề án. Đề án chỉ khả thi nếu phát huy được những giá trị vốn có của di sản và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân phố cổ. Trước đây, Sở GTVT đã phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) điều tra xã hội học nhằm triển khai một số tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ. Kết quả, hơn 70% người dân đề nghị phải dỡ bỏ ngay các ki ốt giữa lòng đường ở chợ đêm và tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân hiện nay, bởi nhiều bất cập. Đã có những lần người dân phải cấp cứu, nhưng xe cứu thương không vào được. Tương tự, nếu xảy ra cháy nổ, xe chữa cháy cũng không thể tiếp cận hiện trường. Người dân cũng phản ánh, chủ nhân của các ki ốt phần lớn là người từ nơi khác đến thuê chỗ kinh doanh, trong khi người dân phố cổ không được hưởng lợi. Rất nhiều sản phẩm bán trong chợ đêm là hàng có xuất xứ Trung Quốc, không có bất kỳ sự gắn bó nào với những đặc trưng của phố cổ. Nếu quá vì mục đích thương mại, lập ki ốt thu tiền thì sẽ khó thuyết phục được người dân. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm giao thông, chỗ đỗ ô tô, xe máy cũng rất cần được bàn thảo kỹ. Nếu cấm xe trong 3 ngày cuối tuần, vậy xe của người phố cổ để ở đâu, xe của khách đỗ ở đâu? Quan điểm của Sở GTVT, đã là phố đi bộ thì ưu tiên chính vẫn là đường phải giành cho mục đích giao thông (đi bộ). Về các gian hàng, quận Hoàn Kiếm phải tạo điều kiện cho các hộ đang kinh doanh ở mặt đường các tuyến phố hiện nay hoạt động đúng khuôn khổ, quy định của đề án. Bảo tồn là nhằm phát huy các giá trị của phố cổ, chứ không nên lập mới các ki ốt... Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, phố cổ là di sản cấp quốc gia. Do đó, nếu trong khu vực không gian đi bộ chỉ nghiên cứu tổ chức ẩm thực sẽ rất lãng phí mà cần quy hoạch, khôi phục lại một số làng - phố nghề truyền thống để làm điểm trình diễn cho du khách trong nước và quốc tế thưởng thức. Cùng với đó là lồng ghép các hoạt động văn hóa dân gian vào không gian đi bộ. TP và quận Hoàn Kiếm phải bỏ kinh phí hỗ trợ người dân có nghề truyền thống thì phố cổ mới "sống" và tỏa sáng…

Liên quan đến đề án này, tại thông báo số 133/TB-UBND (ngày 9-10), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ngành để hoàn thiện đề án, bảo đảm các mục tiêu phát huy, nâng cao được các giá trị của di sản phố cổ, các di tích lịch sử, văn hóa, không gian kiến trúc... tổ chức đánh giá sự đáp ứng mục tiêu của tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân đang hoạt động, từ đó đề xuất phương án điều chỉnh những tồn tại, bất cập để phát huy tốt hơn hiệu quả, mục tiêu, yêu cầu... Đề án phải bảo đảm yêu cầu về trật tự trị an - xã hội, an toàn cho nhân dân, du khách, bảo đảm vệ sinh môi trường; các phương tiện cấp cứu, cứu hỏa không bị cản trở trong mọi tình huống, thời điểm trong khu vực; tạo điều kiện cho các hộ dân mặt phố có điều kiện tham gia quản lý… UBND TP cũng yêu cầu quận Hoàn Kiếm tiếp thu sản phẩm điều tra, khảo sát do Sở GTVT thực hiện; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận cho việc thực hiện đề án; đẩy nhanh việc hoàn thiện đề án trong tháng 10-2013, báo cáo UBND TP và dự kiến triển khai trong quý IV-2013. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải phát huy được giá trị của di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.