Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải ngăn chặn từ gốc

Đan Nhiễm| 18/10/2015 06:24

(HNM) - Bộ Y tế cho biết, trong 9 tháng của năm 2015, cả nước có trên 20.000 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP). Tổng số tiền xử phạt hơn 24 tỷ đồng và số cơ sở được kiểm tra vi phạm chiếm tỷ lệ hơn 22%.

Trong hơn 12.000 cơ sở vi phạm bị xử lý, một nửa là phạt cảnh cáo, phạt tiền gần 7.000 đơn vị; đình chỉ gần 700 cơ sở, hơn 4.000 loại sản phẩm bị tiêu hủy... Kèm theo đó là những lo lắng về an toàn bữa ăn, trái cây và rau có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, thịt có chất tạo nạc, gà được nhuộm bằng màu dùng trong công nghiệp dệt... Tương ứng với đó là số vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng trên khắp cả nước.

Những con số "biết nói" cho thấy việc quản lý nhà nước về ATTP từ sản xuất đến bàn ăn, vốn được giao cho 5 bộ quản lý nhưng hiệu quả chưa xứng với kỳ vọng. Lý do chính được đưa ra thường là thiếu nhân lực, kinh phí và chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ. Trước bất cập trên, Chính phủ đã đồng ý từ ngày 15-11-2015, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn. Cụ thể, mỗi địa phương sẽ chọn 5 quận, huyện và 10 xã, phường để tổ chức thí điểm. Riêng Hà Nội dự kiến tăng cường 100 thanh tra, nghĩa là mỗi xã, phường có 4-5 cán bộ và mỗi quận, huyện có 8-10 cán bộ thanh tra chuyên ngành về ATTP. Thời gian thí điểm chính sách này là một năm.

Thanh tra ATTP chỉ ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được giao rất nhiều nhiệm vụ, địa bàn quản lý lại rất rộng nên hiệu quả của công tác thanh tra không theo kịp tình hình. Với quy định thí điểm nêu trên, lực lượng "cắm chốt" ngay từ cấp hành chính cơ sở sẽ phát huy vai trò và ngăn chặn từ gốc những nguy cơ có thể dẫn đến mất ATTP từ khâu sản xuất, tập kết nguyên liệu, chế biến đến thực phẩm thành phẩm bày bán ra thị trường. Việc kiểm tra không tập trung vào giấy tờ, giấy phép mà phải chú trọng đến chất lượng ATTP. Với thức ăn đường phố thì điều kiện vệ sinh ra sao, vấn đề giết mổ, quản lý thực phẩm ở chợ có an toàn hay không…? Đáng chú ý, lực lượng này sẽ được giao toàn quyền thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Thẩm quyền của thanh tra tại xã, phường là xử phạt hành chính tới 500.000 đồng, trường hợp vi phạm mức cao hơn có thể lập biên bản để trình UBND cùng cấp ra quyết định xử phạt, mức tối đa 5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền xử phạt sẽ được giữ lại tại địa phương. Đây được cho là cơ chế "thoáng" nhất giao cho một cấp quản lý ở cơ sở.

Trong cuộc họp thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn tổ chức ngày 16-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Lần thí điểm này các đơn vị sẽ triển khai quyết liệt và phải có chuyển biến. Nếu dân vẫn còn phàn nàn về ATTP thì không được". Đúng là như vậy, hiệu quả của một chính sách mới chỉ được đánh giá trên cơ sở thực tiễn và cũng không thể đòi hỏi sẽ làm thay đổi toàn diện vấn đề ATTP trong ngày một ngày hai. Nhưng với cộng đồng, họ có quyền hy vọng tình trạng bát nháo trong nuôi trồng, chế biến và chuyện bán thực phẩm "bẩn" sẽ dần được loại trừ, để mong muốn có một bữa ăn an toàn sớm thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải ngăn chặn từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.