(HNM) - Ở nhiều thời điểm, gia súc, gia cầm đến kỳ xuất chuồng bán là thua lỗ lớn, không bán cũng
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân (huyện Phúc Thọ).Ảnh: Thái Hiền |
Bỏ ngỏ công nghệ chế biến sau thu hoạch
Nhờ định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả, Hà Nội hiện là địa phương có đàn gia cầm lớn nhất cả nước, với quy mô tổng đàn 23 đến 25 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 80.000 tấn/năm, sản lượng trứng khoảng 1,1 tỷ quả/năm. Toàn thành phố có hơn 3.000 trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung gắn với các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất con giống chất lượng cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các trang trại mới ứng dụng một phần công nghệ cao vào quy trình chăn nuôi như đầu tư chuồng khép kín, hệ thống dẫn mát, máng ăn tự động và bán tự động…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia cầm ở Hà Nội có nhiều hạn chế, nhất là khâu chế biến sau thu hoạch dường như bỏ ngỏ, thiếu doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư. Mấu chốt do chi phí đầu tư cho công nghệ khá cao, trong khi thị trường chăn nuôi vẫn phụ thuộc vào thương lái. Ngoài ra, các chủ trang trại còn yếu ở khâu lên kế hoạch sản xuất, khi giá lên cao, tăng đàn ồ ạt, dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến cho tình cảnh “được mùa, rớt giá” liên tiếp xảy ra mà chưa có biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Tích Phương - chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Chương Mỹ - cho biết, gia đình chỉ mới đầu tư xây chuồng trại khép kín, làm mát, cho ăn tự động đã tốn kém hàng tỷ đồng. Khó khăn nữa là hạ tầng kỹ thuật ở khu vực xây dựng trang trại chắp vá, hệ thống điện, đường giao thông phục vụ sản xuất yếu kém.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Lê Văn Tuấn cho biết: Đầu tư khâu xử lý, chế biến sản phẩm gia cầm đòi hỏi công nghệ tiên tiến, hiện đại, nguồn vốn lớn, đi kèm phải xây dựng được thị trường tiêu thụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, đầu ra cho các sản phẩm gia cầm hiện nay vẫn chỉ bán cho các siêu thị, bếp ăn tập thể với số lượng nhỏ giọt, vì vậy việc bỏ ra cả trăm tỷ đồng cho khâu xử lý, chế biến, bảo quản… là bài toán phải tính toán kỹ lưỡng.
Lời giải cho bài toán "được mùa, rớt giá"
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia cầm được coi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi từ 15 đến 20%, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh. TP Hà Nội đã ban hành cơ chế, chính sách cho nhiệm vụ này với sự hỗ trợ 30% chi phí hạng mục đầu tư thiết bị công nghệ mới với mức tối đa không quá 500 triệu đồng/mô hình đối với chăn nuôi, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Ngân sách thành phố cũng hỗ trợ trực tiếp DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình trình diễn...
Những chính sách này bước đầu đã thu hút sự quan tâm của DN đầu tư vào nông nghiệp Thủ đô. Mới đây, Công ty cổ phần Ba Huân đã khánh thành nhà máy xử lý, chế biến trứng công nghệ cao đầu tiên tại Hà Nội. Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội khẳng định: Việc đầu tư công nghệ cao sau chế biến sẽ thúc đẩy chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng bền vững, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dồi dào cũng như chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Nhìn nhận về chính sách hỗ trợ của thành phố, bà Dương Thị Hạ, Giám đốc Liên minh HTX Chăn nuôi huyện Phúc Thọ cho rằng, để hộ chăn nuôi gia cầm yên tâm sản xuất và không còn xảy ra tình trạng "được mùa, rớt giá" thì việc liên kết với DN chế biến thực sự có năng lực đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, đi đôi với việc hỗ trợ HTX, chủ trang trại về mặt bằng, xây dựng kho bãi, thông tin thị trường rõ ràng, minh bạch, kiến thức để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thành phố nên có chính sách khuyến khích DN lớn vào đầu tư làm “đầu kéo” hỗ trợ nông dân.
"Với sự đồng hành cùng DN của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành, chính quyền các cấp, kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ thu hút hiệu quả nhiều dự án đầu tư chế biến công nghệ cao trong chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng, nhằm thúc đẩy ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.