(HNM) - Không gì khổ hơn mất nước, thiếu nước và phải sử dụng nước không sạch, nhất là ở không gian sinh sống cao tầng. Hiện tượng ngay cả vào mùa đông mà một số chung cư của Hà Nội vẫn “khát” nước cho thấy, đây không chỉ là việc riêng một vài tòa nhà, một nhóm dân cư, mà cần được xem xét dưới cái nhìn toàn cảnh
Trước hết, nước sạch cho đô thị ở Hà Nội nói chung, trong đó có cư dân chung cư nói riêng là vấn đề được Chính phủ và thành phố luôn quan tâm. Ngày 21-3-2013, Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Gần đây, vào tháng 4-2016, ngay khi có thông tin về hiện tượng nước sinh hoạt của một số chung cư ở Hà Nội có biểu hiện mất vệ sinh, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã lập tức chỉ đạo các ngành vào cuộc ngay, kiểm tra làm rõ vấn đề này, tìm hướng khắc phục trước mắt và lâu dài.
Hàng trăm tòa nhà chung cư đã được kiểm tra, trong đó, nổi lên một điểm đáng lo ngại nhất là nước đến với người dân thiếu, không sạch nhiều khi lại không nằm ở chất lượng nguồn mà nằm ở bất cập về hạ tầng chung cư, lỏng lẻo trong chuỗi quản lý hệ thống nước sạch từ nhà cung cấp, qua chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà đến người dân.
Tài nguyên nước không phải là vô tận, và biến đổi khí hậu cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với vấn đề này. Đặc biệt mô hình đời sống chung cư tăng mạnh và có xu hướng trở thành phổ biến ở thành phố đòi hỏi nỗi lo thiếu nước ở các chung cư phải được xóa bỏ bằng một giải pháp căn cơ, kết hợp tổng thể nhiều bước đi.
Trong đó, an ninh nước sạch phải là một trong những ưu tiên hàng đầu, thể hiện ngay trong hạ tầng kỹ thuật của các khu chung cư được phê duyệt xây dựng. Đối với các chung cư đã đi vào hoạt động, cần một cuộc rà soát tổng thể nhằm tìm ra bất cập để sớm khắc phục tránh tình trạng nước sạch thì thất thoát, dân thì “khát” nước chỉ vì hệ thống cấp nước “hết hơi”… Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng nêu rõ phải “Từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất và kinh doanh nước sạch”. Đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh “hàng hóa đặc biệt” này thì cơ quan quản lý nhà nước phải giữ vai trò đầu mối để bảo đảm việc quản lý thống nhất, sớm đưa ra những quyết định điều tiết kịp thời giúp người dân ổn định cuộc sống khi có sự cố về nước xảy ra.
Giải quyết bài toán nước sạch ở chung cư còn liên quan đến nguyên tắc vận hành các vấn đề dân sinh ở một môi trường sống đặc thù. Trong đó, việc sớm thành lập Ban quản trị tòa nhà, hoặc phát huy vai trò Ban quản trị tòa nhà để phối hợp với chủ đầu tư, Ban quản lý trong việc giám sát hệ thống dẫn nước, chứa nước đến với người dân là vô cùng thiết thực, quan trọng.
Đối với các đơn vị cung cấp nước vi phạm, phải có chế tài xử lý về tài chính. Việc dừng hợp đồng cung cấp nước chỉ là giải pháp tạm thời, vì người thiệt trước nhất vẫn là người dân.
Ở tầm vĩ mô, rất mong các chuyên gia sớm nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật Cấp nước cũng như dự thảo điều chỉnh Định hướng cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đây hy vọng sẽ có những đề xuất mới liên quan đến công nghệ xử lý nước, cung cấp, quản lý nguồn nước sạch hiện đại, góp phần giúp cho người dân nói chung và dân chung cư Hà Nội tránh được cảnh thấp thỏm vì… nước sạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.