Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải giảm mật độ dân số khu vực nội đô

Thủy Tiên| 08/02/2015 06:10

(HNM) - Vừa qua các phương tiện truyền thông đưa tin Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội khi ra đường Xuân Thủy bị ùn ứ khoảng 30 phút. Một sự thật không thể phủ nhận là áp lực giao thông ngày thường cũng đã lớn nhưng những ngày áp Tết còn lớn hơn nhiều.



Theo thống kê của cơ quan chức năng, Hà Nội có gần 4 triệu xe máy và nửa triệu ô tô các loại, nghĩa là phương tiện giao thông cá nhân tăng theo cấp số nhân, trong khi hạ tầng lại tăng theo cấp số cộng. Bên cạnh đó, phương tiện giao thông công cộng duy nhất chỉ có xe buýt đã khiến sức ép giao thông ngày càng lớn hơn. Hàng triệu chiếc xe máy cùng ra đường từ sáng và phần lớn trong số đó chỉ đi một người thì chuyện ùn ứ là không thể tránh. Tắc đường và ùn ứ không chỉ do xe máy quá nhiều mà còn có một nguyên nhân khác là ý thức tham gia giao thông, ai cũng muốn nhanh hơn người khác đã gây ra lộn xộn và khi đã lộn xộn thì ùn ứ. Cùng với thiếu ý thức, bất cập trên một số tuyến phố đã cộng hưởng khiến ùn ứ kéo dài. Ví dụ như đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa là con đường đẹp và rộng, thế nhưng bên số chẵn góc ngã ba rẽ Trung Tự đi Chùa Bộc vẫn có một ngôi nhà khệnh khạng nằm trên hè phố và chính nó tạo ra nút thắt đối với người đi bộ, họ buộc phải xuống đường dành cho ô tô, xe máy. Cũng tại con đường này, dải phân cách rẽ ra Trung Tự có cần thiết không?

Nhiều người cho rằng, nếu dỡ bỏ thì lưu thông chắc chắn thuận tiện hơn. Tắc và ùn cũng do nguyên nhân khác là Hà Nội hiện có 27 dự án trọng điểm, trong đó có 10 dự án vừa thi công vừa sử dụng đã tạo nên 44 điểm rào chắn và đường Xuân Thủy là một trong những điểm đó. Theo cam kết, các nhà thầu phải chịu trách nhiệm tổ chức phương án và trực tiếp hướng dẫn, thế nhưng không ít chủ thầu phớt lờ điều chính họ đã cam kết nên xảy ra tình trạng "quýt làm cam chịu", Hà Nội đã phải gánh tiếng oan để ùn tắc giao thông.

Một nguyên nhân chính gây tắc và ùn ứ giao thông trong khu vực nội đô là do hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Thành phố đã làm nhiều cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm, mang lại hiệu quả nhất định dù đó chỉ là giải pháp tình thế. Trong năm 2014, Hà Nội có thêm các công trình mới được đưa vào sử dụng, dù các dự án do Bộ GTVT hay TP Hà Nội làm chủ đầu tư phần nào đã cải thiện giao thông Hà Nội. Trước đó ùn ứ và tắc nghẽn diễn ra hằng ngày trên đường Phạm Văn Đồng, nhất là ở ngã tư Cổ Nhuế. Nhưng từ khi cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp khánh thành đầu năm 2015 và đưa vào sử dụng đã giảm áp lực cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này, gần như không còn ùn ứ vào giờ cao điểm. Trước đó cầu Đông Trù và Đường 5 kéo dài nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm đưa vào sử dụng cũng giảm gánh nặng cho các tuyến khác. Xe tải trọng lớn từ cảng Hải Phòng lên Tây Bắc đất nước cũng rút ngắn được quãng đường vì không cần phải qua TP Bắc Ninh.

Nếu ví giao thông như quả bóng thì yên chỗ này lại phình chỗ khác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mật độ dân số ở nội đô Hà Nội là 3.490 người/km2, cao gấp 100 lần mật độ dân số trung bình của cả nước. Vì thế bao nhiêu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng như muối bỏ bể nếu không giảm được mật độ dân số nội đô. Thiết nghĩ đây không chỉ là giải pháp căn cơ mà chắc chắn sẽ làm giảm áp lực giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải giảm mật độ dân số khu vực nội đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.