(HNMO) - Tại phiên thảo luận ngày 28/5 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, các đại biểu Quốc hội đã bàn nhiều đến việc bội chi, hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước và sự cần thiết phải đổi mới cách quản lý thu-chi ngân sách Nhà nước.
Đa số các đại biểu tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và gợi mở nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Phải cơ cấu lại các khoản chi cho hợp lý
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang đánh giá, việc tăng thu năm 2008 chủ yếu là từ giá dầu và xuất nhập khẩu cho thấy, vấn đề thu ngân sách vừa qua chưa mang tính bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc vượt chi cũng quá lớn, đến 13,5% so với dự toán, chứng tỏ việc chi vừa qua còn thiếu tính chiến lược, tính pháp lý, tính quản lý nguyên tắc chung. Từ đó, bà Tuyết cho rằng, hành lang pháp lý về thu-chi ngân sách còn nhiều bất cập mà hiện Luật ngân sách lại chưa có quy định rõ ràng về những ràng buộc pháp lý để đảm bảo sử dụng nguồn thu-chi hợp lý.
"Chúng tôi đề nghị rằng nguồn thu đòi hỏi phải có xử lý tăng theo đúng quy định và pháp luật trong việc quản lý sử dụng cũng như có trình tự ưu tiên sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả theo yêu cầu của nền kinh tế và ưu tiên trước tiên là giảm bội chi ngân sách, vì đây là mục tiêu mang tính tiềm ẩn nguy cơ của nền kinh tế", đại biểu Tuyết nói.
Đại biểu Lê Quốc Dung - Thái Bình cho rằng, sở dĩ Việt Nam chỉ dám đặt mức bội chi 40 cho đến 45%, một mức thấp so với nhiều quốc gia mà đã phải "sợ", là vì chúng ta vẫn thâm hụt thương mại, tỷ lệ xuất siêu đang thấp, nhập siêu tăng lên thì cán cân thanh toán không tăng. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần cơ cấu lại nền tài chính, trước hết đưa vào nguồn thu, nếu chưa đổi mới được Luật ngân sách thì phải có báo cáo phụ lục về vấn đề chi ngoài ngân sách, thu ngoài ngân sách, trên cơ sở cơ cấu đó phải tăng hết nguồn thu.
"Nếu ta cứ đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, bắng trái phiếu Chính phủ để thay xã hội đầu tư nhiều quá, nền kinh tế không hiệu quả, chỗ trái phiếu đầu tư hiện nay là một mảnh đất đang rất thơm, rất nhiều doanh nghiệp đang xen vào vì rất có sơ hở, rất đơn giản, rất buông lỏng và vì Quốc hội không kiểm soát được", đại biểu Dung nói.
"Ở đây có vấn đề tôi đề nghị cần phải làm rõ nguyên nhân của vượt thu, nguyên nhân của vượt chi như thế nào. Vượt thu nguyên nhân của nó ra sao, nhiều đại biểu nêu do dự toán không sát, do dự báo không tốt cho nên trình ra Quốc hội, Quốc hội cũng quyết dự toán thu như vậy, khi thực hiện lại thực hiện vượt lên. Chúng tôi muốn xem từ khâu lập, trong đó có cả những khâu tham mưu để quyết định ngân sách, có phải có cái gì đó do chủ quan của chúng ta không. Có những vấn đề, những hiện tượng như các đại biểu nêu là do động cơ dự toán thấp để kết quả thực hiện cao hay không, để từ đó có những cơ chế xin cho, sử dụng vào một số cái cho dễ hơn", đó là ý kiến của đại biểu Phan Trung Lý - Nghệ An.
Đại biểu Lý nhất trí, vượt chi từng khoản phải được rà theo ngân sách, khoản nào chấp nhận được, khoản nào không chấp nhận thì giải quyết như thế nào, hiệu quả của vượt chi đó như thế nào, vượt chi đó nhằm mục đích gì...
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn đánh giá, công tác thu-chi ngân sách vẫn mắc hạn chế là thu chưa vững chắc, chi ngân sách dàn trải, không hiệu quả và kỷ luật chi không nghiêm.
Dẫn giải về chi không có hiệu quả, thể hiện ở chỉ số ICO hiện đã lên đến 8, đại biểu Thuyết cho rằng, lý do một thành viên Chính phủ giải thích là vì tính vào đây cả đầu tư chính sách là không thuyết phục.
"Tôi hiểu chắc không phải chính sách đối với gia đình có công hay đối với thương binh .... mà chính sách ở đây là chính sách đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng đó, nếu trừ phần chia ra thì ICO chắc vẫn cao. Tôi thấy giải thích này chưa đồng tình lắm... Bây giờ phải xem chi cho đầu tư để phát triển những vùng như thế đã thật cao chưa, so với 1,2 km đường Hà Nội 600 tỷ đồng thì chi ở miền núi là bao nhiêu, đã đến mức tới hạn chưa, vì sao chi như thế không có hiệu quả...", đại biểu Thuyết đề nghị.
Thay đổi cách làm ngân sách
Theo đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh, với cách làm ngân sách hiện nay và quy trình lập ngân sách và giám sát ngân sách, Quốc hội và Chính phủ không kiểm soát được ngân sách. Và từ chỗ không kiểm soát này, đi tới một số việc, ví dụ hiện nay chúng ta thông qua ngân sách Nhà nước thì riêng luật của ta ngân sách hiện nay không phân biệt rõ ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương đưa vào cân đối chung các nguồn. Vì vậy, ông đề nghị luật tới đây cần phải làm rõ ngân sách quốc gia Quốc hội quyết, còn ngân sách địa phương địa phương quyết, phần nào quốc gia để tài trợ địa phương, Quốc hội quyết. Có như vậy mới phân biệt rõ vai trò giám sát ngân sách của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương...
"Chúng ta quyết bội chi ngân sách lại quyết không vượt bao nhiêu phần trăm GDP, không ai quyết như vậy cả... Cách quyết như vậy là cách quyết rất chung và chúng ta không kiểm soát được", đại biểu Lịch nói.
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan - TP. Hà Nội đề nghị phải thay đổi lại cách tính bội chi ngân sách, phải đưa trái phiếu Chính phủ và các nguồn vay về cho vay lại để tính vào bội chi ngân sách cũng như là các khoản trả nợ của Chính phủ cũng đưa vào bội chi ngân sách để cho bức tranh bội chi ngân sách được đúng hơn.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội sớm có ý kiến về việc thực hiện cải cách ngân sách Nhà nước tương ứng với cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Quốc hội cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống sửa đổi Luật ngân sách và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Băn khoăn về việc làm sao để kiểm sóat ngân sách cũng là mối quan tâm của đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai - Tây Ninh. Theo đại biểu Mai, Quốc hội cần phải có những cơ chế mới để đổi mới về hoạt động này, làm thế nào cho việc thông qua ngân sách của quốc gia phải thật rõ ràng, công khai và minh bạch để Quốc hội có thể xử lý trách nhiệm trong trường hợp kém hiệu quả trong sử dụng đồng vốn ngân sách thì phải xử lý rõ trách nhiệm của từng địa phương, từng ngành.
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Quảng Ninh cũng đồng tình, cần tăng cường sự giám sát và thẩm quyền quyết định thu, chi ngân sách nhà nước của Quốc hội. Ngoài việc dự toán đã thông qua về thu và chi ngân sách trong năm theo nghị quyết của Quốc hội, những phần thu biến động trong thu ngân sách hay chi ngân sách nhà nước, ví dụ các khoản chi biến động trong quá trình lập dự toán chưa thể nêu được ra hết, cũng cần phải thông qua Quốc hội hay Ủy ban thường vụ Quốc hội để quyết định.
"Tôi đề nghị sớm cho sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước. Tôi đề nghị Luật Ngân sách nhà nước cần điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thu, chi, nợ và bội chi ngân sách nhằm tăng cường sự giám sát, quản lý ngân sách Nhà nước để đạt được hiệu quả cao hơn. Những vấn đề thu, những quy định thu lớn mang tính quốc gia thì cũng cần phải đưa vào trong ngân sách Nhà nước để điều chỉnh, để quá trình thực hiện mang tính đồng bộ và thống nhất hơn", đại biểu Lan nói.
Tăng chi có một phần do bù lỗ giá xăng, dầu
Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, trước hết là vấn đề cân đối ngân sách và quan điểm về phân cấp ngân sách, thẩm quyền quyết định ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, đây là vấn đề rất lớn, nhiều năm qua đã có nghiên cứu, đặc biệt thời gian qua khi sửa đổi Luật ngân sách cũng đã đặt ra, dựa trên sự nghiên cứu của các nước nhưng cũng phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Nếu như hiện nay, hầu hết tất cả các nước trên thế giới phân cấp ngân sách này là ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương riêng, ngân sách Trung ương liên quan đến quốc gia trong đó có phần liên quan đến các địa phương do Quốc hội quyết định, còn ngân sách địa phương do địa phương quyết định không cộng vào ngân sách Trung ương để trình Quốc hội thì ở Việt Nam, ngân sách lồng ghép 4 cấp: ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện toàn bộ vốn ODA cho tất cả các dự án từ lớn đến nhỏ đều đã thể hiện trong ngân sách, chứ không có một nguồn vốn ODA nào nằm ngoài ngân sách.
Về ý kiến xây dựng dự toán chưa sát thực tế, chưa bao quát hết nguồn thu, Bộ trưởng thừa nhận, do năm 2008 - 2009 có biến động lớn quá nên Chính phủ không dự báo được.
"Xây dựng dự toán, nhiều lần tôi báo cáo Quốc hội, là từ kinh tế, từ sản xuất kinh doanh. Ví dụ từ sản xuất, hiện nay chúng ta không giao cho tập đoàn, tổng công ty sản xuất bao nhiêu sản phẩm trong một năm, sản xuất mặt hàng gì. Ngay dầu thô là sản phẩm lớn nhất, đăng ký của Tập đoàn dầu khí năm 2008 là 15,4 triệu tấn, đó là khai thác và tiêu thụ, nhưng trên thực tế thực hiện chỉ được 13,6 triệu tấn. Như thế để nói dự toán ngân sách chỉ là dự báo, chứ không hoàn toàn chính xác được. Nếu phê bình tôi xin nhận khuyết điểm", Bộ trưởng nói.
Liên quan đến việc tăng chi, Bộ trưởng cho biết, tại thời điểm năm 2008 lạm phát tăng rất cao, giá xăng dầu tăng rất lớn, nhưng Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát nên không tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Chính vì thế, Chính phủ đã phải bù lỗ dầu là 22.380 tỷ, được lấy từ nguồn tăng thu về dầu thô là 24.003 tỷ. Ngoài ra, tăng chi còn là cho cải cách tiền lương tăng thêm, hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm, hỗ trợ để thực hiện chính sách an sinh xã hội khác, do chuyển nguồn...
Về ý kiến đưa các nguồn cổ phần hóa vào ngân sách, Bộ trưởng cho biết, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Trung ương 7 lần thứ 9 đã có một câu khẳng định là chúng ta phải đẩy mạnh cổ phẩn hóa sắp xếp doanh nghiệp, tiền thu từ cổ phần hóa này không phải không đưa vào thu ngân sách và dùng để đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực mà nhà nước cần nắm giữ, cần chi phối để giữ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang quản lý nguồn này để tập trung thực hiện các nhiệm vụ trên.
Bộ trưởng khẳng định thêm, Chính phủ không cấp vốn cho các doanh nghiệp, nên đối với các tập đoàn, các tổng công ty hiện nay, nguồn cổ phần hóa được giữ lại để tăng vốn, còn đối với các đối tượng khác thì thu về Trung ương để lập một quỹ để đầu tư. Hiện nay, các tập đoàn, các tổng công ty đầu tư mà những dự án có hoàn vốn thì hầu hết là vốn của tập đoàn, tổng công ty và vốn vay chứ không có vốn ngân sách.
Cũng trong phiên họp hôm nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật người khuyết tật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.